“tại sao designer chuyên nghiệp vẫn nên chọn máy workstation thay vì máy gaming?” là câu hỏi mà nhiều anh em đã hỏi mình khi mình làm một số video review laptop lần trước. Sẵn hôm nay mình có một chiếc laptop workstation ở đây, mình sẽ giải đáp cho anh em luôn lý do vì sao nên đầu tư cho mình một chiếc laptop workstation và nên chọn cấu hình thế nào cho phù hợp nhé!
Tại sao nên dùng laptop workstation khi làm đồ hoạ?
Bên cạnh mình là chiếc laptop workstation HP Zbook Power G8. Một trong những chiếc laptop workstation giá ổn trên thị trường. Và đối với mình, chiếc máy bên cạnh mình đây là một sự lựa chọn tốt cho anh em designer.
Tuy nhiên, mình nghĩ mình sẽ cần chia sẻ với anh em một chút về lý do mà designer chuyên nghiệp nên chọn các dòng laptop workstation trước đã.
Đầu tiên, workstation là dòng máy được ưu tiên chạy với hiệu năng cao, thế nên nó được thiết kế với độ bền bỉ và ổn định rất cao. Phần vỏ và kết cấu bên ngoài của laptop workstation đa phần đều được thiết kế rất gọn gàng và sử dụng những chất liệu bền và cứng cáp như hợp kim, kim loại. Như phần vỏ của Zbook power G8 thì được làm với chất liệu hợp kim nhôm magie, giúp máy vừa bền mà vẫn nhẹ (chỉ 1.9Kg), độ bền của khung máy được thiệt kế để chịu được thử nghiệm độ bền theo tiêu chuẩn quân đội Mỹ. Tuy nhiên, không có nghĩa là nó “nồi đồng cối đá” ở mọi chỗ, đặc biệt ở phần mặt A của máy nếu bạn bị va đập mạnh thì cũng có thể để lại những vết móp nhỏ, nên phải nhớ giữ phần này chút nhé.
Bên cạnh đó, điểm nổi trội bậc nhất của các dòng máy laptop workstation, cũng là lý do chủ đạo mà anh em design nên ưu tiên, đó là cấu hình của máy. Các dòng laptop workstation được trang bị những cấu hình cực kỳ mạnh mẽ, CPU và GPU hiệu năng cao và chuyên dụng cho nhu cầu đồ hoạ chuyên nghiệp. Và mỗi dòng máy lại có rất nhiều cấu hình để anh em chọn lựa. Ví dụ như chiếc Zbook Power G8 bên cạnh mình đây, nó có hàng loạt sự lựa chọn về cấu hình nếu anh em tham khảo trên website của hãng. Từ CPU i5 tới i9, card đồ hoạ NVIDIA T600 tới T1200, A2000. RAM và ổ cứng cũng rất nhiều lựa chọn nữa.
Tuy nhiên, đây cũng chính là điểm mà mình nghĩ mình cần chia sẻ với anh em để lựa chọn cấu hình sao cho phù hợp nhất. Bởi vì người ta vẫn thường nói “máy workstation là dùng cho công việc đồ hoạ chuyên nghiệp”, nhưng mà đồ hoạ thì cũng có “đồ hoạ this, đồ hoạ that”. Anh em làm hình ảnh, thiết kế banner, poster, dựng phim bằng bộ đồ hoạ Adobe thì nhu cầu cũng sẽ khác với anh em làm đồ hoạ 3D với những phần mềm Blender, AutoCAD, Cinema4D,… Vậy điểm khác biệt mà anh em cần lưu ý ở đây là gì?
Chính là card đồ hoạ. Dòng laptop workstation thường được trang bị những con GPU Quadro với những thuật toán tối ưu cho nhóm phần mềm CAD, CGI, DCC ở trên. Nói như vậy không có nghĩa là anh em sử dụng bộ Adobe thì không dùng được quadro. Mà ý mình là nếu như anh em sử dụng laptop để làm việc chủ yếu với bộ phần mềm Adobe, thì thực sự không cần thiết phải chọn những máy có cấu hình trang bị GPU quá đắt tiền, mà chỉ cần những con vừa tầm như T600, T1200 là quá đủ nhu cầu.
Vậy tóm lại là gì, nếu anh em đang cần một chiếc máy workstation cho nhu cầu design chuyên nghiệp, thì anh cần cân nhắc chọn lựa cấu hình CPU và GPU phù hợp với đặc thù công việc và ngân sách của anh em. Ví dụ như anh em chọn Zbook G8 để sử dụng cho nhu cầu làm 3D, CGI, thì có thể chọn các dòng có cấu hình sử dụng CPU i7 i9 và GPU RTX A2000, còn nếu anh em cũng giống như mình, sử dụng bộ Adobe là chủ yếu để chỉnh hình, dựng phim, thì chỉ nên chọn cấu hình sử dụng GPU T600 T1200 là quá đủ. CPU và RAM, SSD anh em có thể chọn sao cho đúng ngân sách của bản thân.
Còn với màn hình thì anh em không cần phải lo, vì đặc thù workstation là ưu tiên cho anh em design, nên hầu như tất cả đều đạt 100% sRGB cả. Như con Zbook power G8 của mình thì có màn hình full HD với 100% sRGB, delta E rất thấp và đảm bảo màu sắc luôn “chuẩn chỉ”.
Về laptop HP Zbook power G8
Nãy giờ nói về workstation như vậy chắc anh em cũng đã đủ thông tin để tham khảo rồi chứ? Giờ quay lại với “em” HP Zbook power G8 nhé. Như mình đã đề cập ở trên, chiếc máy mình đang có đây được trang bị cấu hình GPU T600 4Gb, RAM 16Gb (8×2) DDR4 3200Hz anh em có thể nâng cấp RAM lên tối đa 64Gb, SSD 1Tb (hỗ trợ tới 2 SSD NVMe để anh em nâng cấp thêm dung lượng lưu trữ) và CPU i7 11800H. Mình đã sử dụng con máy này được hơn 1 tuần liên tục, vừa làm hình, dựng video hướng dẫn Photoshop trên Premiere, chỉnh hình với các album hàng ngàn tấm ảnh trên Lightroom và nó hoàn toàn mượt.
Đánh giá sức mạnh
Mình có chạy thử một vài phần mềm đánh giá benchmark như geekbench 5 thì HP Zbook power đạt con số 8716 ở xử lý đa nhân, cao hơn nhiều so với trung bình phân khúc là 6575 điểm, tuy nhiên khi chạy thử bài đánh giá 3DMark Fire Strike thì chỉ đạt số điểm khiêm tốn. Do vậy, nếu anh em đang cần một con máy để vừa chơi game cực tốt vừa làm việc được thì có lẽ đây không hẳn là sự lựa chọn tốt nhất cho anh em, nhưng nếu chỉ chơi game ở mức độ giải trí vui vẻ thì Zbook power G8 đáp ứng thoải mái, chẳng vấn đề gì cả.
Thiết kế bên ngoài, bàn phím và loa
Thiết kế bên ngoài của chiếc máy này thì trông cực kỳ “business”, rất tinh gọn và cho cảm giác chắc chắn. Mặt A của máy chỉ duy nhất logo Z của dòng Zbook, cá nhân mình thì thích logo HP hơn. Màn hình của máy là 15 inch, có cạnh viền khá mỏng, webcam có sẵn lẫy che đảm bảo yếu tố bảo mật. Bàn phím full size bao gồm cả phím số, hành trình phím thì khỏi chê, gõ rất ổn trong thời gian dài.
Phía trên là dải loa với chất âm ổn, và phía dưới là touchpad tương đối lớn, cá nhân mình đánh giá chưa cao lắm với touchpad này, có lẽ cũng vì thói quen của mình là thích sử dụng chuột hơn khi sử dụng các phần mềm chuyên nghiệp.
Mặt đáy của máy thì có vài con ốc với lỗ tản, mình có thấy một số dòng máy Zbook khác được trang bị mặt đáy mở bằng lẫy chốt chứ không sử dụng ốc vít thế này, mình đánh giá cao cách mở nắp máy đó hơn vì sẽ dễ dàng nâng cấp và thay thế phần cứng của máy.
Cổng kết nối
Bên cạnh máy thì không thiếu cổng kết nối nào cho anh em cả, trừ cổng thẻ SD mà thôi. Nó bao gồm cổng USB-A, HDMI, USB-C, thunderbolt, có cả cổng Ethernet xếp gọn, giắc tai nghe, Smart Card và lỗ lắp khóa chống trộm.
Dung lượng pin
Dung lượng pin của máy là 83Whr, mình sử dụng bình thường với tác vụ hỗn hợp cả lượt web, chỉnh hình thì nó sẽ loanh quanh khoảng 6-7 tiếng. Đối với mình là khá ổn với một con máy hiệu năng cao mà giá thành vừa phải thế này.
Đi kèm với máy là windows 10 Pro, có thể update lên windows 11 Pro, và một số phần mềm của HP giúp việc sử dụng máy được ổn định hơn. Bao gồm HP wolf security for business giúp bảo mật máy tốt hơn hoặc Zcentral remote boost software giúp kết nối với máy trạm dòng Z PC, hoặc HP support assistant giúp hỗ trợ anh em tự chuẩn đoán và bảo trì máy.
Giá bán HP Zbook power G8
Với cái giá 52tr cho em máy zbook power g8 với cấu hình như mình đã đề cập, thì đây phải nói là con máy tốt trong tầm tiền. Và phải nhấn mạnh rằng trong phân khúc trung cấp của laptop workstation thì Zbook power G8 có cái giá phải chăng nhất, anh em có thể chọn các cấu hình thấp hơn một chút theo nhu cầu để có ngân sách thấp hơn nữa nếu muốn.
Anh em có thể tham khảo sản phẩm laptop workstation HP Zbook power G8 tại https://elite-jsc.com/shop/hp-zbook-power-15-6-g8-33d92av/
Tại sao không nên chọn mua laptop workstation cũ
Cuối bài, mình phải chú ý với anh em một điều: Workstation laptop hoặc máy tính để anh em làm việc thì anh em nên xác định là một khoản đầu tư, vì nó là tài sản giúp anh em kiếm ra tiền. Thế nên đừng tiếc cho nó mà nên chọn những dòng máy mới, đừng nên chọn các dòng máy cũ, vì một số lý do như sau:
- Workstation vốn được thiết kế để làm các tác vụ cần hiệu năng cao, như render 3D, render video trong thời gian dài. Thế nên các linh kiện đã bị “bào” với tần suất sao mà có thể bạn không biết, dẫn tới hiệu năng bị giảm mạnh, hoặc giảm tuổi thọ đáng kể.
- Workstation được thiết kế để rất dễ dàng thay thế linh kiện, điều này cực tốt cho mục đích nâng cấp theo nhu cầu như mình đã nói ở trên. Tuy nhiên, với những máy cũ thì hoàn toàn có thể sẽ bị thay thế những linh kiện ít tiền hơn như CPU đời cũ hơn, xung thấp hơn, RAM ít hơn, ổ cứng cũ hơn,… nhằm giảm giá thành.
Hy vọng rằng bài viết này đã cung cấp được nhiều thông tin hữu ích cho anh em. Anh em có những chia sẻ nào khác về các dòng laptop workstation này, và anh em nghĩ gì về con zbook power G8 này? hãy comment bên dưới để chúng ta cùng bàn luận nhé.