Bố cục dùng quy tắc một phần ba
Bố cục một phần ba chính là một cách tuyệt vời để bạn sắp xếp các yếu tố chính trong khung hình bao gồm: chủ thể chính, đường chân trời và các yếu tố hỗ trợ khác. Quy tắc này chia khung hình của bạn thành 9 phần (ba phần theo chiều dọc và 3 phần theo chiều ngang), tạo thành một giao diện có hình lưới.
Dựa vào bố cục này, bạn sẽ đặt các yếu tố chính dọc theo các đường lưới hoặc tại các điểm giao nhau của chúng để tạo sự cân bằng tự nhiên cho bức ảnh. Quy tắc một phần ba thường được áp dụng khi xuất hiện các đường chân trời.
Thay vì đặt đường chân trời vào giữa khung hình, bạn có thể đặt nó dọc theo đường lưới một phần ba trên dùng nếu phần tiền cảnh đặc biệt thú vị. Hoặc cũng có thể đặt dọc theo đường lưới một phần ba dưới cùng nếu bầu trời của bạn tuyệt đẹp và chứa đầy màu sắc.
Một mẹo để giúp bạn chụp được những bức ảnh sử dụng quy tắc một phần ba tốt là hãy đặt đối tượng của bạn dọc theo một trong các đường lưới dọc hoặc tốt hơn là tại điểm giao nhau. Vì thông thường mắt người sẽ nhìn vào bức ảnh và tìm kiếm điểm giao nhau một cách tự nhiên nhất, chứ không hẳn là nhìn vào trung tâm của bức ảnh.
Bên cạnh đó, để tạo ra góc chụp đẹp nhất, bạn cần đặt máy ảnh hướng thẳng đến vị trí chủ thể (vị trí 1/3) và không nên đứng chéo vì dễ làm méo khung hình.
Dùng tiền cảnh để tạo chiều sâu
Một trong những cách được sử dụng phổ biến bởi các nhiếp ảnh gia phong cảnh chuyên nghiệp hiện nay là sử dụng tiền cảnh để tạo độ sâu.
Ví dụ như một bức ảnh chụp ngọn hải đăng ở phía xa, khi để những mỏm đá làm tiền cảnh, người xem sẽ tập trung vào chúng đầu tiên, sau đó dẫn mắt đến phần trung cảnh, rồi cuối cùng là ngọn hải đăng ở hậu cảnh, tạo nên một bức ảnh có chiều sâu ấn tượng.
Tận dụng các đường dẫn lối
Bạn có thể tận dụng các đường thẳng để tạo điểm nhấn cho bức ảnh. Các đường thẳng trên mặt đất sẽ dẫn lối đến cảnh trọng tâm của bức ảnh. Với trường hợp này, bạn sẽ thấy bố cục đối xứng và trung tâm cũng được sử dụng.
Sự đối xứng của môi trường xung quanh kết hợp với các đường dẫn sẽ giúp cho vật thể càng nổi bật rõ ràng hơn và người xem sẽ ấn tượng hơn vì đập vào mắt họ chính là vật thể mà người chụp muốn tập trung vào.
Ngoài ra, không chỉ các đường thẳng mới có thể sử dụng làm đường dẫn, các bạn cũng có thể sử dụng đường dẫn cong như đường đi, điều này sẽ khiến bức ảnh của bạn thú vị và hấp dẫn.
Xác định chủ thể rõ ràng
Đây chính là cách bạn cần bắt đầu học và thực hành để nâng cao kỹ năng chụp ảnh phong cảnh của mình. Hãy xác định chủ thể chính trong bức ảnh phong cảnh bạn định chụp. Chủ thể có thể là bất cứ thứ gì, ví dụ như một ngọn núi, một tảng đá, một dòng sông, một vỏ sò trên bãi biển, một tia chớp trên bầu trời…
Bất kể chủ thể là gì, bạn chỉ cần làm nổi bật nó, người xem ngay lập tức sẽ bị thu hút vào khung hình. Tuy nhiên, đừng nên thêm quá nhiều chủ thể vào khung hình, vì nó có thể làm người xem bị rối và không biết phải tập trung vào đâu, từ đó hướng ánh nhìn của họ tới một bức ảnh khác.
Tận dụng hoa văn và bề mặt
Con người cũng thường bị thu hút bởi những hoa văn vì chúng trực quan, hấp dẫn và hài hoà. Có những hoa văn nhìn vào bắt mắt, gây hứng thú cho người nhìn, chỉ cần phối hợp những hoa văn đó, bạn dễ dàng tạo ra một bố cục dễ chịu và ấn tượng.
Bạn có thể dựa vào những đường dẫn hoa của văn này kết hợp với bố cục chụp đối xứng và trọng tâm nhằm tập trung vào vật thể cần nhấn mạnh.
Đơn giản và tối giản background
Background đơn giản là một trong những cách chụp được các nhiếp ảnh gia thường xuyên sử dụng nhằm mục đích làm nổi bật chủ thể. Những bức ảnh này thường được làm mờ background hoặc chụp cận cảnh.
Thông thường, bố cục này thường chụp cho các chủ thể đơn để tập trung vào đối tượng, giúp đổi tượng nổi bật giữa khung nền rộng và tối giản. Với trường hợp này, bạn có thể áp dụng quy tắc vàng một phần ba cùng các đường dẫn để bức ảnh thêm chiều sâu và ấn tượng.
Tạo bố cục cảnh quan phong cách tối giản
Hầu hết mọi bức ảnh gây ấn tượng cho người xem đều mang phong cách tối giản. Vậy nên trước tiên, bạn hãy tìm một khung cảnh chứa đầy không gian âm. Tìm một chủ thể nhỏ, đơn độc. Sau đó, đặt đối tượng bị cô lập của bạn vào khung hình.
Lưu ý nên đặt đối tượng ở gần các cạnh của khung hình hơn để nhấn mạnh sự trống trải (điều này sẽ phá vỡ quy tắc 1/3). Như vậy bạn sẽ tạo được một bức ảnh có cảm giác vượt thời gian.
Lồng khung cho cảnh vật
Nếu bạn muốn tạo chiều sâu cho bức ảnh thì bố cục lồng khung cho cảnh vật chính là lựa chọn sáng suốt. Với một chiếc “khung” gần và cảnh vật từ xa được lồng trong “khung” này cho phép hình ảnh của bạn có điểm nhấn, chiều sâu và ấn tượng. Toàn bộ điểm “focus” của bạn sẽ được làm nổi bật và rõ ràng khi người xem nhìn vào bức ảnh.
Khung hình không nhất thiết phải là những chiếc “khung” bao quanh cả phong cảnh, bạn có thể tận dụng những yếu tố như vòm cây, vòm cửa để làm nổi bật trọng tâm của bức ảnh.
Sử dụng các lớp để đơn giản hóa khung cảnh
Lớp là một trong những kỹ thuật bố cục chụp ảnh phong cảnh được nhiều nhiếp ảnh gia yêu thích, bởi chúng làm cho cảnh đơn giản hơn và đẹp toàn diện. Bạn có thể tạo ảnh góc rộng nhiều lớp bằng cách kết hợp tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh rõ ràng vào bố cục khung hình. Hoặc bạn cũng có thể tạo ảnh chụp xa nhiều lớp bằng cách nén các yếu tố ở xa.
Tuy nhiên, không phải mọi bố cục trong chụp ảnh phong cảnh đều có thể phân lớp. Dấu hiệu nhận biết để bạn có thể chụp nhiều lớp là các cảnh có các yếu tố lặp lại hoặc chồng chéo như cồn cát, các dãy núi, rừng cây cối…