Kiểm tra bên ngoài ống kính cũ
Trước khi bắt đầu kiểm tra phần bên trong của ống kính, bạn nên ưu tiên test cẩn thận bên ngoài ống kính để đảm bảo chất lượng.
Đầu tiên, bạn cần kiểm tra xem vỏ ống kính có bị nứt vỡ, trầy xước hay bị sứt mẻ gì không. Theo đó, nếy mức độ trầy xước, nứt hay bị méo lộ rõ hay ở phạm vi tương đối, lời khuyên là bạn hãy ngừng việc tìm hiểu hay mua ống kính cũ này. Bởi những vấn đề trên có thể sẽ ảnh hưởng đến phần thấu kính bên trong, đó là chưa kể đến việc sẽ làm mất độ thẩm mỹ khi nhìn vào tổng thể hình thức chiếc máy ảnh sau khi gắn lens.

Khi đã kiểm tra xong bên ngoài thân máy, bạn sẽ cần kiểm tra đến các vòng lấy nét, vòng zoom để xem nó có đang hoạt động bình thường và trơn tru không. Đồng thời để ý xem có bị rít hay mắc không. Lý do là vì sẽ có những loại lens dùng chất liệu cao su để làm vòng zoom hay vòng lấy nét. Những chất liệu này sau một thời gian dùng sẽ dễ bị trùng nhão hay bị mục, dễ dẫn đến nhiều cản trở trong việc sử dụng.
Bên cạnh đó ngoài các vòng lấy nét, vòng zoom thì ở một số loại ống kính cũng sẽ trang bị thêm vòng chỉnh khẩu. Nếu có, bạn cũng nên kiểm tra vòng chỉnh khẩu bằng cách thử xoay và cảm nhận xem có độ nẩy của các đoạn khi điều chỉnh từng bước khẩu hay không. Nếu có thì tức là vòng khẩu vẫn hoạt động tốt.

Ngoài ra ở một vài ống kính đời trước thuọc Nikon có thể vẫn tích hợp vòng chuyển chế độ AF-MF. Nếu muốn test xem vòng chuyển này có đang hoạt động tốt không, bạn hãy thử gắn ống kính lên máy ảnh để kiểm tra. Thêm vào đó sẽ có một số ống kính zoom lấy nét tự động có thêm nút chuyển chế độ chống rung hay Limit/Full… bạn hãy nhớ cần phải kiểm tra tất cả chúng để test xem độ mượt, trơn tru của nó ra sao.
Xong các chi tiết trên, bạn có thể chuyển qua kiểm tra các ốc vít trên lens liệu có bị rỉ sét không hay có dấu hiệu bị tháo ra chưa? Nếu là loại ống kính lấy nét tự động hiện đại, việc tháo và lắp ống kính sai cách có thể sẽ gây ảnh hưởng đến tính năng lấy nét nên bạn cần lưu ý kiểm tra kỹ vấn đề này.

Hãy nhớ rằng kiểm tra luôn những chân mạch của ống kính xem nó có bị gãy hay rơi ra , bị mẻ hoặc thiếu chân nào không. Nếu như có thì cần xử lý liền vì ống kính sẽ khó gắn chắc chắn được với máy ảnh nếu chân mạch có vấn đề, dễ gây lỏng lẻo trong quá trình quay chụp.
Kiểm tra phụ kiện đi kèm
Thường ống kính sẽ có 2 nắp che ống kính trước và sau. Bạn nên hỏi trước vấn đề này vì có nắp che cũng giúp bảo về ống kính tốt hơn. Ngoài ra, cũng sẽ có nhiều người bán tặng kèm luôn filter.
Nếu như ống kính cũ của bạn có filter có kèm theo thì càng tốt, tuy nhiên nếu không có thì cũng không phải vấn đề gì lớn. Trước đó bạn nên có hood, cap trước và sau zin theo ống.

Kiểm tra thấu kính
Thấu kính là phần quan trọng khi mua ống kính cũ, vậy nên hãy kiểm tra tất cả những dấu hiệu bất thường nào có thể xuất hiện trên thấu kính. Bạn có thể nhìn trực tiếp bằng mắt thường từ kính trước hoặc kính sau nếu muốn quan sát, phát hiện các lỗi của ống kính. Có một số lỗi khó hơn thì bạn sẽ cần sự hỗ trợ của ánh đèn chiến vào để xem, ví dụ như có thể dùng flash của điện thoại hoặc soi dưới ánh đèn nhân tạo, ánh mặt trời.

Nhớ xem xét kính trước và kính sau liệu có bị trầy xước không và xem bề mặt kính trước có bị bong tróc lớp coating (lớp tráng phủ). Bên cạnh đó hãy kiểm tra xem các thấu kính bên trong có bị đọng hơi nước và liệu có bị mốc, rễ tre do hơi ẩm hay không. Lỗi này khá rắc rối vì nó có khả năng lây lan ra nhiều hơn hoặc thậm chí là lan sang các ống kính khác nếu bạn đặt các ống kính chung với nhau. Nếu để lâu, có thể sẽ bị nặng hơn dẫn đến hư thấu kính.
Test xem body có nhận ống kính hay không
Có thể sẽ có một số trục trặc nhỏ và vì một lý do nào đó, vẫn có trường hợp máy ảnh sẽ không nhận ra được ống kính. Do đó hãy test trước để đảm bảo rằng ống kính mà bạn dự định mua có thể gắn lên và hoạt động được trên máy ảnh của bạn.

Kiểm tra khả năng lấy nét
Đối với ống kính lấy nét tự động AF
Hãy kiểm tra xm quá trình lấy nét của ống kính xem có đang vận hành mượt mà hay không. Tiếp đó kiểm tra xem tốc độ lấy nét có đủ nhanh và vùng lấy nét có chính xác không bằng cách mở khẩu lớn nhất, sau đó chụp từ khoảng cách gần nhất cho đến xa nhất. Trong trường hợp trên máy có tính năng liveview, hãy bật chế độ này lên và theo dõi quá trình lấy nét của ống kính với liveview.
Đối với ống kính lấy nét thủ công MF
Với loại ống kính này, bạn cần phải điều chỉnh, xoay vòng lấy nét để xem nó còn hoạt động trơn tru hay không. Lý do là bởi những ống kính MF nếu để lâu ngày sẽ dễ bị bám bụi, khô dầu khiến cho việc xoay vòng lấy nét trở nên khó khăn hơn.

Chung quy lại khi test phần lấy nét, bạn nên chụp đối tượng từ khoảng cách gần nhất cho đến xa nhất, lấy nét ở vị trí trung tâm và chuyển dần dần sang phía rìa bên trái, bên dưới, bên phải và bên trên để test xem độ nét trong từng khung hình có đồng nhất với nhau hay không. Lưu ý hãy test lần lượt từ mức khẩu lớn nhất đến các khẩu nhỏ hơn.
Kiểm tra chống rung
Ở một số ống kính có tích hợp hệ thống chống rung trên thân ống thì bạn cần phải lưu ý test xem tính năng này có còn hoạt động tốt hay không bằng cách chụp ở tốc độ chậm (tùy tiêu cự ống kính) với 2 chế độ bật và tắt chống rung để xem tính năng đó còn hoạt động hiệu quả hay không.
Nguồn tham khảo: tinhte.vn, vjshop, kyma