Color Science (Chất ảnh) trên máy ảnh là định nghĩa về màu sắc dựa theo thông tin từ 3 màu cơ bản: Red – Green – Blue. Định nghĩa này thì thường không có chuẩn chung nào cả, mỗi hãng máy ảnh (Nikon, Canon, Sony, Pentax, Fujifilm, Olympus, v.v….) sẽ có những kiểu định nghĩa cho riêng mình.
Đến đây sẽ nhiều bạn thắc mắc: Tại sao lại rắc rối như vậy? Màu vàng thì nó vẫn là màu vàng thôi? Màu cam, màu hồng nhìn thấy người ta cũng bảo màu hồng chứ ai bảo màu xanh đâu? Yes! Bạn nói đúng, nhưng quên mất một vài thứ quan trọng.
- Một màu thường có rất nhiều dị bản. VD màu đỏ có đỏ đun, đỏ gạch,v.v…. Và người ta vẫn chung quy gọi nó là màu đỏ. Nhưng các loại dị bản đó về mặt khoa học được tính là một màu riêng biệt, định nghĩa là màu bậc 2 hoặc bậc 3
- Các màu bậc 2 – 3 được sinh ra nhờ việc thay đổi sự pha trộn giữa 3 nguyên tố màu cơ bản. Yếu tố đậm nhạt, sáng tối quyết định màu sắc đó
- Color Science của từng hãng được xây dựng dựa theo việc chuyển hóa dữ liệu thô mà cảm biến thu nhận được ra các bảng màu khác nhau và việc sử dụng đoạn nào màu gốc, đoạn nào màu dùng màu dị bản sẽ tùy vào quyết định của nhóm kỹ sư hãng đó chứ không thể chuyển hóa chính xác 100% như mắt nhìn được do sự giới hạn của không gian màu sRGB hoặc AdobeRGB. Câu chuyện bắt đầu thú vị từ đây
Color Science sẽ bị ảnh hưởng những thứ gì? Hoặc điều gì xây dựng nên Color Science thương hiệu riêng của từng hãng?
Không vào đề dài dòng, mình sẽ gạch dầu dòng ngắn gọn cho mọi người
- Cảm biến hình ảnh: Cụ thể hơn ở đây là mình muốn nói tới lớp lọc màu CFA (Color Filter Array) trên cảm biến của máy ảnh mà các bạn đang sử dụng chiếm phần lớn sự khác biệt màu sắc. Okay! Rất nhiều người từng kêu Nikon, Fujifilm các kiểu dùng chung cảm biến với máy ảnh Sony đúng không? Tại sao màu của nó lại khác? Tại sao mấy thằng kia lại có nhiều chi tiết hơn? Thằng kia thiếu sáng ngon hơn? Đơn giản là vì Sony chỉ bán phần lõi cảm biến nhận hình ảnh. Các hãng máy ảnh vẫn phải thiết kế các lớp khác để đắp lên cảm biến của Sony bao gồm
- Micro-Lenses: Các lens nhỏ liti mà mắt thường không nhìn thấy, được phủ lên trên sensor để giúp tập trung ánh sáng vào các điểm thu nhận nằm ở lõi sensor. Cũng vì nó vẫn được tính là quang học nên chất lượng Micro-Lenses của Nikon sẽ khác Fujifilm và tất nhiên chả giống Sony rồi.
- Color Filter Array: Lớp lọc màu nằm phía trên sensor có tác dụng lọc màu ánh sáng đi vào pixel theo 3 màu: Red-Green-Blue. Bình thường, các hãng máy ảnh thiết kế lớp lọc màu theo chuẩn Bayer (theo lớp ma trận 2×2 với 2 ô Green + 1 ô Red + 1 ô Blue) chung. Riêng ông Fujifilm chơi khác, ông thiết kế lớp lọc màu riêng của mình gọi là X-Trans với ma trận 6×6 với số lượng Green phải gấp 3-4 lần thằng Red và Blue để giúp giảm thiểu quang sai cũng như hiện tượng Moire, tăng chất lượng cho hình ảnh.
- Low Pass Filter: Lớp kính lọc đặt trước sensor có tác dụng bảo vệ các lớp còn lại và làm nhiệm vụ đơn giản hơn: Lọc các ánh sáng tần số thấp, lọc tia UV, lọc tia hồng ngoại, v.v…..Đại khái là lớp này làm mờ hình ảnh hơn so với hình ảnh đi trực tiếp từ phía đít của lens trước khi đi vào sensor. Mỗi hãng sẽ có thiết kế riêng cho mình ở cái lớp này và mình xin tiết lộ: Tinh hoa da người mịn màng của Canon, Panasonic, ARRI, RED nằm hết ở thiết kế Low Pass Filter của họ chứ không có phần mềm nào chỉnh sửa sẵn cả.
- Chip xử lý tiến trình chuyển ảnh JPEG đi kèm firmware của máy: Nó là các cái tên mỹ miều mà bạn hay nghe như là Canon DIGIC, Nikon Expeed, Sony Bionz, Fuji X-Processor. Bình thường, ngay sau khi chụp ảnh xong, các chip này sẽ lấy luôn thông tin dạng số hóa của sensor và phân tích các lớp lọc màu cơ bản rồi bắt đầu nội suy sang các màu khác và ghi vào chuẩn file JPEG cho các bạn xem. Quá trình này sẽ tiến hành rất nhanh (cố định theo từng mili-giây theo nhà sản xuất) nên tùy vào công nghệ chip xử lý thời đó mà việc xử lý ảnh có kỹ hay không kỹ? Có thêm thắt được “gia vị” mặn ngọt gì vào không. Theo kinh nghiệm cá nhân của mình, các máy ảnh thiên về khả năng chụp hình nhiều hơn quay phim thường sẽ có màu ảnh JPEG đẹp hơn đối với các máy ảnh làm được nhiều việc cùng lúc. Đơn giản hơn nữa thì cứ flagship của dòng đó thì JPEG nó tuyệt cú mèo, kể cả đời cũ hay đời mới
- Phần mềm xử lý ánh RAW: YES! Đấy là lý do mà giờ mình vẫn khuyên mọi người sử dụng máy tính để xử lý ảnh RAW của mình. Cái bước phân tích dữ liệu màu từ sensor từ chip xử lý trên máy ảnh giờ sẽ được chuyển hết lên máy tính, thông qua phần xử lý RAW của phần mềm với năng lực xử lý đến từ hệ thống máy tính cao cấp, chắc chắn sẽ cho chất lượng tốt hơn rất nhiều so với máy ảnh. Đặc biệt, nó hoàn toàn đúng với các máy ảnh thế hệ cũ từ nhiều năm trước, khi năng lực xử lý ảnh hồi đó hoàn toàn không đủ mạnh. Tất nhiên, Color Science giờ đây sẽ theo riêng phần mềm chứ không theo hãng máy ảnh nữa.
- Ống kính: Coating, chất liệu làm kính là những thứ mà chắc chắn 100% ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng ảnh của bạn. Hãy động não một chút, body dù xịn thế nào thì phần nhận hình ảnh của nó đơn giản là nằm sau ống kính. Ống kính chính là thứ dẫn mọi thứ vào máy ảnh của bạn, vì vậy có lý do gì mà nhà sản xuất không tùy biến nó để tạo dấu ấn của mình vào từng bức ảnh. Chính nó! Nó là thứ mà các bạn sẽ phải nói đến khi nói về “chất ảnh” của một hãng máy ảnh.
Ý kiến 1: Panasonic là máy ảnh có Color Science tốt nhất cho ảnh chân dung
Có thể bạn không tin, nhưng đó là cái mà mình đã cảm nhận ngay sau khi cầm toàn bộ các loại máy của Panasonic, từ GF10 cho tới S1R. Color Science của nó tối ưu quá tốt cho việc chụp ảnh chân dung, đặc biệt là trong cái điều kiện ánh sáng ở Việt Nam vốn cực gắt và tương phản cao, chưa kể khói bụi ô nhiễm loạn xạ nữa. Tại sao lại như vậy?
- Sensor hoặc là file RAW của Panasonic ưu tiên lưu trữ vùng Highlight hơn là vùng Shadows, ví dụ file RAW của bạn chỉ có không gian lưu trữ các bit là 10 phần thì theo cảm quan của mình là Panasonic sẽ cắt 4 phần cho Shadows và 6 phần còn lại là cho vùng Highlight. Điều này cũng hợp lý vì Panasonic có truyền thống quay phim và sử dụng hệ codec H264 tiêu chuẩn cho file video của mình, mà tiêu chuẩn H264 cũng lưu trũ vùng sáng nhiều hơn, kể cả khi có VLOG can thiệp vào.
- Thiết kế sensor, hay chính xác hơn là phần kính lọc đặt trước sensor đã làm một vai trò giống như một cái filter nano hoặc micro black promist để làm giảm độ gắt highlight trên ảnh. Gọi nó là OLPF thì cũng không chắc đúng vì giờ đa phần các máy ảnh của Panasonic đều đã bỏ qua OLPF để tăng độ nét của ảnh lên, chỉ riêng dòng chuyên quay phim như GH5s hoặc S1H mới có thêm OLPF để làm mềm hẳn mọi thứ đi và tăng độ chính xác của màu sắc.
- Mọi profile màu của Panasonic đều có tone curves để làm mượt vùng highlight cũng như contrast thấp, cũng dễ hiểu vì cơ bản Panasonic bắt đầu từ một hãng làm máy quay phim nên luôn luôn mang phong cách cinematic vào trong ảnh của họ
Và trong điều kiện sáng gắt, điều tiên quyết của mình luôn là một chiếc máy có khả năng lưu trữ highlight nhiều nhất và mượt nhất vì phần skintone của người Việt Nam sẽ luôn nằm trong khoảng mid-tone đổ đi và mình sẽ luôn dư sáng một phần để tạo cảm giác da trắng sáng, hợp mắt ngay với người xem.
Mình cũng đã thử một vài option khác để kiểm tra tính thực tế xem liệu Profile màu có sẵn thực sự tác động nhiều đến chất lượng hình ảnh không? Và câu trả lời là CÓ! Profile màu của Panasonic thực sự chiếm một phần quan trọng để giúp bạn có một bức ảnh chân dung mượt mà, skintone đẹp hơn bắt mắt hơn. Các profile màu có sẵn từ phần mềm chỉnh sửa ảnh không tạo cho mình một cái ấn tượng nào như vậy.So sánh khi áp các profile màu khác nhau
Thật tiếc là tính thời điểm này, chỉ có Lightroom và Silkypix là hai phần mềm hỗ trợ đầy đủ bộ profile màu tích hợp sẵn trong máy ảnh Panasonic, trong khi sử dụng với Capture One mình phải dùng bộ profile định sẵn có màu nhạt hơn khá nhiều và không thực sự nịnh mắt.
Ý kiến 2: Nikon là hãng có rất nhiều kiểu Color Science khác nhau
Đối với mình thì, Nikon không có một cái Color Science chung nào cả, cứ mỗi một đời chip Nikon Expeed thì hãng lại tinh chỉnh và thay đổi Color Science của mình một lần nhằm “bắt trend” và tạo ra sự khác biệt cho các đời máy, khiến người mua thực sự muốn nâng cấp.Để rõ hơn điều này thì mình có sử dụng phần mềm DxO PhotoLab 2 để “luộc ảnh RAW” của mình. Phần mềm này mình đánh giá khá cao vì kéo được nhiều chi tiết trong file RAW hơn so với Adobe Lightroom và cho phép đẩy sang Color Science của những máy ảnh khác mà phần mềm hỗ trợ. Tất nhiên, bù trừ về sự khác biệt sensor, độ chính xác của phần mềm thì cứ cho chúng ta sẽ giả lập được khoảng 80% Color Science của các body đó. Nó cũng đủ để đánh giá rồi.Ảnh dưới đây được mình chụp bằng Nikon D810 + Carl Zeiss Classic 50mm f/1.4 ở f/1.4 + 1/160s + ISO 400. Zeiss theo mình đánh giá là có tone màu vốn Neutral và có độ tươi cao nên sẽ không làm biến đổi Color Science của hãng quá nhiều.Đầu tiên là ảnh gốc với Color Science của D810 – D750 – D4S, sử dụng Nikon Expeed 4. Contrast sâu và màu da tươi, không vàng ủng mà lại khá hồng
Tiếp theo là Color Science của đám D600 – D610, D800, D800E, D4, D7100, DF sử dụng chipset Expeed 3. Một số dòng tầm thấp Expeed 4 của Nikon như D3300, D5300 và D7200 vẫn dùng hệ Color Science này, có thể là do Firmware của nhà sản xuất họ quy định vậy. Mình rất ghét thế hệ màu này vì ảnh của nó tương phản thấp và phần Shadows hay ám chút màu Green nhìn trên màn hình khá xấu. Bù lại, file RAW của thế hệ này lại cực kỳ nhiều chi tiết, sửa rất sướng, biến sang Color Science của máy khác cũng được.
Mới nhất là thế hệ Color Science của đám Z6/Z7 thuộc dòng chip Nikon Expeed 6, nó như một bước tăng nhẹ Contrast và Saturation của skintone lên. Mình đoán là thế hệ cảm biến BSI thu được khá nhiều thông tin ánh sáng nhưng lens Z-Mount lại cắt bớt một vài tần số ánh sáng để khử quang sai, tăng độ nét nên hãng chỉnh lại Color Science để cố gắng lôi được thêm chi tiết màu sắc từ ảnh ra.
Tiếp theo là thời vàng son của Nikon mà đến giờ vẫn có rất nhiều tay chơi máy ảnh săn lùng: Thế hệ Expeed 1 cho Full Frame với D700, D3, D3S và D3X. Thực sự là từng nhìn qua ảnh chụp JPEG từ những chiếc máy này và cho tới lúc giả lập lại: Oh Fuck! Nó đẹp vãi chưởng các bạn ạ. Màu vàng truyền thống của Nikon nhưng phần skintone lại được làm mịn đi khá nhiều. Đặc biệt, với D3X thì saturation được tăng thêm một chút.
Cuối cùng là Color Science của Nikon D200, một chiếc máy ảnh mà tới giờ vẫn có rất nhiều bác sưu tập vì cái Color Science “chả giống ai” của nó, nhìn khá là nhợt nhạt và hơi ám xanh lá như mấy phim hết đát.
Các hãng khác thì sao?
Mình có thử giả lập sang các body của hãng khác thì kết quả cũng không hoàn toàn giống cho lắm được khoảng 40-50% là giống. Nguyên nhân là do sự khác biệt quá nhiều về sensor và hệ lens. Nhưng cứ thử xem thế nàoCanon 6D/6D2/5D4/1DX2/5DS/80D: Không hiểu sao phần mềm gộp bọn này vào nhiều thế hay là Color Science của Canon trong từng đó thời gian không có gì thay đổi?
Canon 5D2/5D3/1DX: Vẫn chưa hiểu sao 3 thằng này lại có Color Science khác đám kia? Có vẻ là do lúc thiết kế máy thì team phần mềm của Canon vẫn chưa kịp phát triển xong thế hệ Color Science mới
Canon 1D2/30D/5D: Lý do rất nhiều người chuộng dòng này là vì Color Science của nó mang “chất ảnh phim” và mình cũng công nhận điều đó một tí vì trông giống mấy phim ISO 100 thật.
Leica M9, M9-P, M10, M-E: Với kinh nghiệm một người hay lượn lờ Leica Boutique trên Ngô Quyền thì mình có thể đoán qua là Leica bao giờ cũng nâng Saturation lên nhưng không bao giờ bị hiện tượng bệt màu hay cháy sáng. Đặc biệt, màu đỏ của Leica bao giờ cũng đẹp hơn rất nhiều so với các hãng khác. Cơ bản là máy Leica M phải đi kèm lens Leica M nữa mới ra cái chất thực sự của Leica khiến người ta say đắm.
Olympus E-M1/E-M5II/E-M10II/E-M10III: Phải bằng một chín một mười so với Color Science của Leica. Thực sự thì mình đã cầm qua Pen-F lẫn E-M5 thì phải nói thật là mình rất thích màu JPEG của nó vì chụp phát ăn ngay thay vì phải ngồi sửa RAW nhiều.
Sony A5100/A6000 và maybe các A6300: Không ấn tượng lắm do đã nghe feedback nhiều về việc Sony chụp màu JPEG trên các máy crop khá xấu và giờ mình chỉ để cho các bạn nghe thôi.
Sony A7III và A9: Ngon nghẻ đấy chứ, không thua kém ai luôn. Mình thấy nó na ná giống D750
Sony A7R Mark III: Thấy phần mềm nó xếp riêng con này không chung bất kỳ họ nào của Sony nên mình đoán là A7R Mark III có thay đổi về Color Science hoặc sensor nó quá đặc biệt nên Sony phải tune riêng Color Science cho nó
Cuối cùng, mình sẽ cho các bạn xem 1 cái Color Science mà mình cực kỳ ghét, nhưng vẫn là hãng có base người dùng trung thành nhất từ trước đến giờ. Không ai khác, đó chính là Pentax K1 và K1 Mark II
Kết luận
Mình nghĩ là Color Science không có chuyện hãng nào đúng hay sai mà chỉ có vấn đề duy nhất: Nó có hợp mắt mình không? Có người sẽ cho rằng Canon hợp với mình nhất, có người thì Fujifilm, có người thì Leica, v.v……Lý do thì như mình nói ở phần thứ hai: Color Science của hãng máy ảnh luôn bị giới hạn bởi không gian màu thị là sRGB hoặc cao lắm là AdobeRGB nên họ phải biến tấu đi cho thuận mắt.Đôi khi Color Science của máy bạn khá tệ hại không vừa mắt với bạn thì cũng chả có gì phải buồn: Các phần mềm xử lý ảnh RAW hiện nay đều đã khá tân tiến và nó có thể xào nấu lại ảnh của bạn theo những hướng màu sắc “bắt trend” hơn miễn là bạn có một cái máy tính đủ mạnh. Ở đây, mình đang nói đến 2 trường hợp: 1 là color science của thế hệ Nikon Expeed 3 (D600, D800) và Pentax K1 không quá vượt trội trong mắt mình, nhưng file RAW của nó lại chứa cực kỳ nhiều thông tin để cho nhiều phần mềm xử lý RAW xịn hiện nay như DxO PhotoLab và Adobe Lightroom áp những Color Science của riêng họ vào cho bức ảnh của bạn trở nên rực rỡ.Để khai thác tốt nhất Color Science của hãng, đừng quên đầu tư cho mình những con lens chính hãng chất lượng cao vì chỉ có nó mới cho bạn những cái nhìn thuận mắt về màu sắc thôi. Ngoài ra, mình có thể tiết lộ với các bạn một sự thật hơi phũ phàng: Các lens hiện đại, giá rẻ bây giờ đều ưu tiên độ nét quá nhiều và bỏ qua khả năng tái tạo không gian, chỉ có duy nhất các dòng ống kính đắt tiền hoặc cine lens mới có đầy đủ khả năng này. Điều đó thực sự làm cho nhiếp ảnh trở nên khá tệ
🙁 Nếu không dư dả, hãy thử với một vài con lens cổ, phân khúc cao, bạn sẽ cảm thấy nó khác biệt đấy dù chắc chắn là viền xanh viền tím sẽ có trên ảnh của bạn, nhưng chúng ta sẽ dễ dàng sửa nó đúng không nào?
Bài viết thuộc về: Trần Đức Duy – 50mm Việt Nam –