Gần cuối năm, thời điểm nhiều show diễn, chương trình âm nhạc, giải trí diễn ra với tần suất liên tục. Để lưu giữ những kỷ niệm đẹp nhiều người dùng máy ảnh ghi lại những buổi trình diễn đẹp mắt. Song, ở một số sự kiện thì đèn laser – mối nguy hại của máy ảnh vẫn liên tục được chiếu, nếu không cẩn thận sẽ phá hỏng máy ảnh của bạn. Vậy cách nào để giảm thiểu thiệt hại tối đa trong trường hợp này? Hãy tham khảo nội dung của bài viết dưới đây.
Lens máy ảnh là phụ kiện không thể thiếu với nhiều tính năng hữu ích, hỗ trợ tối đa cho các nhiếp ảnh gia trong quá trình tác nghiệp. Tuy nhiên, mối thù lớn nhất của ống kính máy ảnh sẽ là đèn laser.
Đèn laser nguy hiểm thế nào đối với máy ảnh?
LASER viết tắt của Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation, có nghĩa là “khuếch đại ánh sáng bằng phát xạ kích thích”, được phát minh vào đầu những năm 1960. Về bản chất, laser là một chùm photon được khuếch đại năng lượng bằng cách bắn qua lại nhiều lần trong một buồng chứa, sau đó được phát ra ngoài qua một ống kính định hướng, tạo thành chùm tia sáng song song với năng lượng rất lớn.
Kể từ khi ra đời, laser đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, từ nghiên cứu khoa học như vật lý lượng tử và thiên văn học, đến các ngành công nghiệp quân sự, y tế. Không chỉ vậy, laser còn xuất hiện trong đời sống hàng ngày, như trong máy in khắc chữ hoặc các loại bút laser dùng để thuyết trình. Tùy thuộc vào mục đích sử dụng, cường độ của chùm tia laser được phân loại cụ thể để đảm bảo hiệu quả và an toàn.
Đèn laser có thể gây hư hại nghiêm trọng cho máy ảnh, đặc biệt là cảm biến hình ảnh và lens. Điều này chủ yếu do năng lượng mạnh mẽ từ tia laser, vốn được tập trung cao độ thành một chùm tia sáng song song, có khả năng làm hỏng các linh kiện quang học và điện tử nhạy cảm trong máy ảnh.
Khi tia laser chiếu vào lens máy ảnh, ánh sáng không chỉ đi qua mà còn bị tập trung vào cảm biến. Do năng lượng laser rất mạnh, ngay cả một tia chiếu thoáng qua cũng có thể gây cháy hoặc làm chảy lớp cảm biến mỏng. Điều này dẫn đến các điểm chết, vết cháy hoặc sự biến dạng trong hình ảnh chụp sau đó, khiến máy ảnh không thể hoạt động bình thường.
Ngoài cảm biến, bề mặt lens cũng có nguy cơ bị hư hỏng. Tia laser có thể tạo ra các vết cháy hoặc vết xước nhỏ, ảnh hưởng đến chất lượng quang học của lens, làm giảm độ nét và độ trong của ảnh.
Rủi ro này đặc biệt cao trong các sự kiện như trình diễn ánh sáng, phòng karaoke hoặc các buổi trình chiếu sử dụng tia laser công suất cao. Các máy ảnh chuyên nghiệp như DSLR hoặc mirrorless thường dễ bị tổn thương hơn, do thiết kế cảm biến nhạy cảm và không có cơ chế bảo vệ chống tia laser.
Để bảo vệ máy ảnh, người dùng nên tránh hướng máy về phía nguồn phát laser và sử dụng kính lọc bảo vệ nếu cần thiết. Khi không thể tránh khỏi, tốt nhất là sử dụng các thiết bị thay thế ít giá trị hơn để giảm thiệt hại
Khi bị laser chiếu vào máy ảnh, nên làm gì?
Khi lens máy ảnh bị chiếu tia laser, cần xử lý đúng cách để giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ thiết bị. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết:
1. Đánh giá mức độ thiệt hại
Tắt ngay máy ảnh để tránh tiếp tục gây ảnh hưởng lên cảm biến. Kiểm tra hình ảnh gần nhất bạn đã chụp để xác định dấu hiệu tổn hại, như vết cháy hoặc điểm sáng bất thường. Bạn nên thử chụp ở nhiều môi trường khác nhau hoặc chụp vào 1 tờ giấy, mảng tường trắng để nhìn rõ những vệt sáng bất thường trên ống kính.
Quan sát bề mặt lens xem có vết cháy, xước hoặc dấu hiệu bất thường nào khác không.
2. Không tự ý sử dụng tiếp máy ảnh
Đặc biệt, bạn không nên tiếp tục sử dụng máy ảnh vì điều này khiến thiệt hại có thể lan rộng.
3. Đưa đến trung tâm bảo hành
Liên hệ với trung tâm bảo hành chính hãng hoặc nơi sửa chữa uy tín. Miêu tả chi tiết sự cố để kỹ thuật viên đánh giá đúng tình trạng.
Trong một số trường hợp, cảm biến hoặc lens có thể cần thay thế, tùy thuộc vào mức độ hư hỏng.
4. Lưu ý về bảo quản và sử dụng
Tia laser thường được sử dụng tại các buổi trình diễn ánh sáng, phòng karaoke hoặc sự kiện. Hãy tránh hướng máy ảnh trực tiếp về nguồn phát tia laser, ngay cả khi chỉ trong thời gian ngắn.
Dùng kính lọc bảo vệ (UV filter) hoặc filter chống tia laser nếu thường xuyên làm việc trong môi trường có nguy cơ.
Máy ảnh có thể bị cháy sensor do Laser.
Cách bảo vệ máy ảnh trước đèn laser
Ngày nay có một số loại Filter cho máy ảnh hỗ trợ lọc ánh sáng laser. Tuy nhiên những sản phẩm này chưa có bất kỳ sự khẳng định nào về hiệu quả cũng như xuất xứ đều đến từ những nhà sản xuất không tên tuổi và với kích cỡ rất nhỏ chỉ có đường kính 9 – 15mm hoàn toàn không phù hợp với các ống kính của cảm biến CMOS hay CCD. Việc sử dụng filter ND thông thường cũng sẽ không giúp ích được gì nhiều trong trường hợp này, chưa kể sẽ gây ra khó khăn trong quá trình chụp sân khấu trong tối.
Vì vậy một số phương án giúp giảm thiểu nguy cơ bị cháy cảm biến khi chụp hình hoặc quay phim:
Hãy tìm đến và đứng gần những khu được ban tổ chức sắp xếp để đặt máy quay chương trình vì thường những khu này sẽ an toàn hơn.
Hãy để ý quan sát trước những điểm phát ra chùm laser trước khi sử dụng camera. Với mỗi tiết mục trên sân khấu thường sẽ có sự lặp lại trong trình chiếu ánh sáng, quan sát trước sẽ giúp bạn chủ động chọn vị trí đứng phù hợp và tránh bị laser chiếu trực tiếp, thường khu vực ở hai bên sân khấu sẽ ít bị chiếu hơn.
Dùng hood cho ống kính cũng sẽ giảm thiểu được khả năng một số tia laser chiếu thẳng vào ống kính.
Nếu quay phim chỉ để lưu lại kỷ niệm, hãy lựa chọn smartphone thay vì máy ảnh. Smartphone có cảm biến và ống kính nhỏ hơn rất nhiều sẽ thu nhận ít năng lượng từ ánh sáng laser hơn nên khó hỏng hơn nếu bị chiếu trực tiếp.