.
.
.

3 yếu tố tạo nên GIÁ TRỊ của một bức ảnh

bow101 hinhthuc noidung

Lâu nay nhiều bạn hơi khó hiểu và cũng tò mò khi mình thường hay nhắc đến 2 chữ “chiêu trò” khi đánh giá hình ảnh một số NAG trong và ngoài nước. Một số người hiểu rõ mình nói gì, một số thì không. Hôm nay mình sẽ cố gắng giải thích vấn đề này một cách đơn giản nhất có thể. Đồng thời qua đó, mình sẽ phân tích 3 yếu quan trọng nhất của hình ảnh theo quan điểm cá nhân mình. Ba yếu tố này không những mình dùng để định hướng các học viên trong lớp, mà cũng dùng để định hướng cho chính bản thân mình. mình xem 3 yếu tố này là tiêu chí để đánh giá hình ảnh khi làm giám khảo chấm các cuộc thi nhiếp ảnh. Và chỉ những nhiếp ảnh gia nào mà mình thấy có được 3 yếu tố này trong hình ảnh thì mình mới coi đó là ở level master thực sự, còn nếu không thì chỉ là một cách khen ngợi cổ vũ mà thôi. Trong nội dung bài này mình sẽ cố gắng viết  dùng những ví dụ gần gũi nhất với đa số bạn bè chụp ảnh. Tuy nhiên mình vẫn cảm thấy đây là những khái niệm mà một người chụp thương mại vài năm ngắn ngủi khó có thể cảm nhận và hiểu hết được. Và bài này cũng khó viết để có thể diễn giải chi tiết đầy đủ các ý được.  Nhưng thôi cũng hy vọng sau bài viết này mọi người sẽ có cách nhìn nhận nhiếp ảnh hướng về bản chất hơn một chút.  

3 Yếu Tố Tạo Nên Giá Trị Của Hình Ảnh

Chắc nhiều người khi đọc tựa đề  “3 yếu tố tạo nên giá trị của hình ảnh “ sẽ nghĩ mình viết về 3 tiêu chí mà lâu nay những lớp dạy nhiếp ảnh căn bản và lỗi thời thường hay đề cập đến để đánh giá tấm hình đó là:  Ánh sáng, Bố cục và khoảnh khắc ? Không. 3 cái từ trên thật ra chỉ nói về hình thức và cách thức thể hiện mà thôi. Ở đây mình muốn nói về 3 yếu tố quan trọng hơn, ở mức độ cao hơn: Đó là Hình Thức ( Form ) , Nội Dung  ( Content ) , Góc nhìn cá nhân ( Unique Perspective ) trong hình ảnh.   

PR102357

1. Hình Thức – Form 

– Yếu tố này chính là cách thể hiện hình ảnh của bạn, nó bao gồm bố cục, ánh sáng, màu sắc, tiêu cự, khoảnh khắc và tất cả những kỹ thuật cũng như góc chụp để làm tấm ảnh trở nên bắt mắt hơn, kịch tính hơn. 
– Những bố cục cơ bản như một phần ba, lines, simplicity hay những bố cục khó hơn cho người mới bắt đầu như layer lớp này lớp kia, đối xứng để thể hiện “action- reaction” hay tương quan tương hỗ gì đó đều là “hình thức” để thể hiện một tấm ảnh. 
– Những ánh sáng từ ánh sáng tự nhiên đến nhân tạo đèn đóm, rồi ngược sáng thuận sáng, rồi Light & Shadow; hay đến contrast cao thấp để tạo kịch tính này nọ thì cũng chỉ là một trong những “hình thức” thể hiện hình ảnh. Màu sắc tone này style kia cũng vậy thôi.   
– Những hiệu ứng tiêu cự này tiêu cự kia với các góc chụp quen thuộc mà nhiều người hay gọi là style gì đó thì cũng là những công cụ và cách thức để thể hiện hình ảnh. 
– Thậm chí một số thể loại, người chụp luôn muốn quan sát và ghi nhận lại hành động cụ thể nào đó để thể hiện khoảnh khắc như :  Khóc, cười, mếu máo, sầu thảm, suy tư, vung tay vung chân, chỉ chỏ…Khi việc ghi nhận những khoảnh khắc đó đã trở nên quá đơn giản ai làm cũng được thì mình chỉ coi nó là hình thức thể hiện hình ảnh mà thôi. 

Với một người học nhiếp ảnh đã đủ thời gian trải nghiệm thiết bị của mình thì đều có thể học, có thể thực hiện, hoặc mô phỏng bắt chước theo một cách dễ dàng. Tuy nhiên ngày nay ở rất nhiều thể loại nhiếp ảnh, một số “hình thức” thể hiện đã trở nên phổ biến và nó còn được xem như những công thức, những nguyên tắc bắt buộc phải có.  Điều đó cũng dễ hiểu vì “hình thức” là yếu tố đảm bảo sự kích thích thị giác, nịnh mắt người xem khi mới nhìn lướt qua. Hình thức nó như một chiếc xe đầy màu sắc được để trang trọng trong một showroom mà ai đi ngang qua cũng phải ngoái nhìn. Tuy nhiên chiếc xe đó có thực sự tốt? Có thực sự có giá trị như vẻ bề ngoài của nó? Có thực sự ý nghĩa để sử dụng thì lại là một chuyện khác. Còn đối với hình ảnh, nếu chỉ đáp ứng tốt các yếu tố thể hiện “hình thức” thì liệu có đủ để đánh giá một tấm ảnh giá trị? Liệu với những yếu tố đã trở thành công thức và thủ thuật thì có đủ để đánh giá tư duy và trình độ của một nhiếp ảnh gia?  

Hẳn mọi người còn nhớ vào những năm 2012 khi Việt Nam vẫn còn đắm đuối trong thể loại “teen xoá phông” thì mình khuyến khích mọi người sử dụng lens 35mm cho chân dung để hiểu hơn về hiệu ứng tiêu cự tạo kịch tính hình ảnh như thế nào. Rồi mình cũng khuyến khích mọi người quan sát light & shadow, giới thiệu với mọi người các phong cách chụp pre-wedding mới tại thời điểm đó như Hipster, giới thiệu các phong cách chụp phóng sự cưới với layer, action-reaction….Một số người học thời kỳ đầu bất ngờ với những cái cơ bản đó vì họ chưa bao giờ họ được. Nhưng cũng chính vì vậy, một số người sinh ra ảo tưởng rồi xem việc chụp được những “hình thức” như vậy là đẳng cấp là đỉnh cao. Để rồi hôm nay khi tất cả mọi người ai cũng có thể hiện được những “hình thức” đó một cách dễ dàng thì người ta dần mới thấy được rằng việc chụp được những ảnh như vậy chẳng có gì là ngầu nữa hết. Nó chỉ đơn giản là một phương pháp mang tính thể hiện “hình thức” mà thôi.   

Tereme and Marco Wedding Photo 1449

2. Nội Dung – Content 

– Content chính là nội dung, là câu chuyện, là ý nghĩa của hình ảnh. Nội dung là mục đích chân chính thực sự của người chụp. Nên nội dung chính là yếu tố quyết định giá trị hình ảnh chứ không phải là các yếu tố thể hiện hình thức như đã nói ở mục trước. Ngày nay nhiếp ảnh thương mại là một nghề không cần đâu tư quá nhiều chi phí nhưng kiếm tiền lại rất dễ dàng. Điều đó làm người ta tranh nhau khẳng định giá trị và đẳng cấp của mình bằng “hình thức”. Vì tất cả những yếu tố thể hiện hình ảnh nào mà có thể truyền đạt, chỉ dạy hoặc bắt chước ngay được thì đó đều là “hình thức” chứ không phải “nội dung”.  Nội dung là cái không cố định, không cụ thể. Nội dung được hình thành bởi suy nghĩ và nhận thức của người chụp nên nội dung không thể truyền đạt, hiểu ngay làm ngay được.

– Cũng cần hiểu rõ “nội dung của ảnh” và “nội dung của sự kiện” là hai khái niệm liên quan mật thiết với nhau nhưng lại hoàn toàn khác nhau. Ví dụ bạn chụp một đám cưới thì bộ hình dù thế nào thì nó cũng thể hiện “nội dung của sự việc” là một đám cưới. Nhưng “nội dung của hình ảnh” chính là tấm ảnh hoặc bộ ảnh có nói lên được không gian thời gian, có nói lên được tâm tư tình cảm, chiều sâu của nhân vật, chiều sâu của bối cảnh hay của sự kiện đó hay không. Và những hình ảnh như vậy sẽ có giá trị về “nội dung” hơn nhưng lại khó nhận biết hơn 1 tấm ảnh “hình thức” rực rỡ với những bố cục, khoảnh khắc khóc cười vu vơ đã thành công thức. Nội dung hình ảnh tinh tế và có ý nghĩa thế nào thì cần sự tư duy, cảm nhận và vốn sống của người chụp. 

– Có thể nói đến đây nhiều người sẽ nghĩ ảnh mình thực sự có nội dung. “Tui chụp cưới có cảnh sinh hoạt, có khoảnh khắc, có biểu cảm, có phóng sự có truyền thống, và hình ảnh bắt mắt rồi thì là đã có nội dung?! ” . Yếu tố này nhiều người thường lầm tưởng ( hoặc ảo tưởng) . Họ không phân biệt được, hoặc mập mờ về “nội dung của sự kiện” với “nội dung của hình ảnh”. Khi xem hình của những huyền thoại thế giới họ thường không hiểu tại sao có những bố cục “vu vơ” như vầy. Tại sao là có những khoảnh khắc và biểu cảm “không rõ ràng” như vầy. Chính vì không hiểu nên họ sẽ không hứng thú và không có chủ kiến của mình về những hình ảnh đó. Đối với họ hình thức chính là đỉnh cao của hình ảnh.  

Trong lớp Nhiếp Ảnh 101,  mình có dùng thuật ngữ “Moment & Scene” để nói về việc cảm nhận biểu cảm và khoảnh khắc của nhân vật trong một không gian bao quát hơn hoặc chặt chẻ tập trung hơn để thể hiện rõ “story” của ảnh. Các nội dung về cưới trong lớp 101 cũng phân tích rất nhiều về tính chất storytelling của hình ảnh phóng sự cưới. Thì đó chính là yếu tố nội dung của hình ảnh.  Nhưng với những học viên trải nghiệm quá ít, thì họ sẽ chỉ chú trọng vào phần “hình thức” làm sao cho bắt mắt mà thôi. Không phải chỉ có các học viên, mà bản thân mình thời gian đầu cũng sa đà vào “hình thức” để chứng tỏ khả năng kỹ thuật của mình như bố cục cầu kỳ bắt mắt, ánh sáng kịch tính, khoảnh khắc ấn tượng. Nhưng càng học thêm với các Master trên thế giới cũng như với các Master hiện đang ở Viêt Nam như Hải Thanh, mình nhận ra sự thiếu thốn nội dung, thiếu thốn chiều sâu trong những hình ảnh đó.     

maxresdefault 2

mình nhận thấy hiện nay lớp Dailylife của Master Hai Thanh là lớp có những phương pháp thực hành và phân tích sâu sắc để người học có thể dễ dàng học được cách nhìn nhận vấn đề thiên về “nội dung” của hình ảnh. lớp học này không quá tập trung vào “hình thức”. Nhiều người sau khi học xong lớp Dailylife đã có thể học được cách nhìn nhận chủ thể sâu sắc hơn, đúng bản chất hơn. Từ đó có thể tự định hướng cho mình cách quan sát, cách chụp đi về chiều sâu hơn. Lớp học sau này cũng đã nhồi thêm kiến thức chuyên sâu về tính chất tự liệu – Documentary của hình ảnh. Giúp nhiều học viên có nhiều hình ảnh đạt cấp độ “để đời” hơn. Tất nhiên không phải 100% ai học xong cũng có thể được như vậy. mình từng đi chụp chung với lớp học này một lần. Lúc đó với tâm lý tự khẳng định mình đã chụp tung xoè lắt léo các kiểu. Khi về anh Hải Thanh không đánh giá hình ảnh, mà chỉ nói mình nên quay lại chụp vài tấm đơn giản đúng bản chất hơn. Lúc đó mình mới thấy xấu hổ vì sự nông nổi của mình khi vô tình để những tư tưởng tự khẳng định bằng “hình thức” lấn áp lý trí trong buổi chụp.  

Bản thân mình tới ngày hôm nay vẫn đang tiếc đau đáu về một khoảnh khắc mà mình đã bỏ lỡ trong cái đám cưới mà mình đã kể ở status trước: Khi nhà CD làm lễ gia tiên xong thì anh trai CD ra vườn ngồi nhìn xuống hồ nước. mình biết ông anh này đang nhớ đến người mẹ quá cố ( vì sao mình biết thì có thể tìm đọc status trước của mình ). Lúc đó người vợ anh bước tới từ sau lưng đặt tay lên vai chồng một cách trìu mến. Anh cũng đưa tay lên nắm tay vợ. mình vừa đi từ trong nhà ra nhìn thấy cảnh đó thì lật đật đưa máy lên chụp nhưng không kịp. Họ đã đứng lên. mình hối tiếc mãi vì “nội dung” của tấm ảnh định chụp chứ chả quan tâm đến “hình thức”. Vì cho dù mình có chụp kịp khoảnh khắc đó với “hình thức” tệ thế nào đi nữa thì với mình đó cũng sẽ là tấm ảnh làm mình sung sướng nhiều ngày liền.   

Vừa rồi có học viên nhờ mình đánh giá giùm bộ hình cưới ngoại cảnh. Dù đôi chút có vụng về nhưng mình xem thì rất thích. mình thấy nó rất thật. Cảm xúc thật. Không gian thời gian thật. Không có quá nhiều tấm chụp theo công thức. Cũng không có qúa nhiều tấm phô diễn kỹ thuât hay góc chụp. Càng không có quá nhiều tấm đang “diễn tự nhiên”. Đôi khi một chút sự vụng về thô ráp đó trong hình ảnh làm mình cảm thấy hứng thú hơn tấm ảnh. Nó giúp mình tò mò muốn cảm nhận không gian thời gian lúc đó cùng CDCR hơn. mình không dám góp ý hay nhận xét với bạn đó nhiều về yếu tố “hình thức”của bộ hình. mình sợ bạn đó bị sa đà để rồi hình ảnh sẽ trở nên  “chiêu trò”, tức là chỉ tập trung vào việc thể hiện “hình thức” mà thôi. mình chỉ góp ý về “nội dung” và có nói rằng: để khách hàng hiểu được và trân trong giá trị nội dung này của hình ảnh thì phụ thuộc vào quy trình làm việc với khách hàng có đủ chuyên nghiệp hay không. Quy trình chuyên nghiệp đó cũng chính là cái mà mình hướng dẫn rất kỹ trong lớp 101. Tuy nhiên nhiều người chụp tốt về nội dung thường bị thiếu và lơ là phần đó. Trong khi những người chụp hình thức chiêu trò lại rất “chặt chẻ”. Nhìn vào “có vẻ” chuyên nghiệp.         

3. Unique Perspective – Tính Cách và Góc nhìn cá nhân khác biệt.    

Photographer ( Nhiếp ảnh gia ) khác biệt với Artist ( Nghệ sĩ ) ở chỗ: Photography là công việc ghi nhận lại sự vật, sự việc có sẵn. Nó hoàn toàn khác với các loại hình Art-Nghệ Thuật của các Artist- Nghệ Sĩ là mượn sự vật, sự việc để nói lên một cái chuyện đâu đâu, một cái suy nghĩ, quan điểm hay cảm xúc cá nhân nào đó chả liên quan gì đến cái sự vật, sự việc họ đang sử dụng làm hình tượng.  Một số thể loại nhiếp ảnh rất gần với nghệ thuật. Một số nhiếp ảnh gia khi mà việc ghi nhận sự việc sẵn có đã không còn đáp ứng được việc thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của họ một cách đầy đủ nữa thì họ thường chuyển sang các thể loại khác, các chất liệu khác để tìm cách thể hiện suy nghĩ đó. Nói như vậy không có nghĩa là những nhiếp ảnh gia không thể có cái nhìn khác biệt, không thể thể hiện tính cách và cảm xúc khác biệt bằng việc ghi nhận lại sự việc sẵn có đó. Vô vàng những nhiếp ảnh gia huyền thoại và tên tuổi trên thế giới được ghi nhân bởi những giá trị riêng trong hình ảnh quá độc đáo mà hiếm ai có thể có được. Có người hình ảnh ngột ngạt tù túng. Có người hình ảnh phóng khoáng nhẹ nhàng. Có người nhìn nhận sự việc tích cực, và cũng có người luôn nhìn sự việc với con mắt tiêu cực. Có người thiên về những hào nhoáng bên ngoài, có người luôn thiên về sự trần trụi bên trong. Có người chụp chủ thể của họ luôn đẹp mơ màng lãng mạn. Có người toàn chụp chủ thể của họ lang man vô định…. Nói như vậy không có nghĩa là chỉ có những người tên tuổi được khẳng định thì mới có thể có sự khác biệt. Hoàn toàn không phải. Từng cá nhân khác nhau có tính cách khác nhau, suy nghĩ khác nhau, bối cảnh sống và văn hoá khác nhau thì từng cá nhân đã có được những cái giá trị riêng độc nhất mà chỉ có người đó mới có. Đây có lẻ là điều mơ hồ với những ai coi nhiếp ảnh như một công cụ kiếm tiền. Đây cũng có thể sẽ là vấn đề khó hiểu, khó tiếp cận cho những ai coi giá trị nhiếp ảnh chỉ là những công thức hay phương pháp để bắt chước làm theo. 

Dù hiểu và ý thức yếu tố này đã lâu nhưng những năm đầu làm nhiếp ảnh mình thực sự loay hoay và bế tắc để tìm ra hướng giải quyết vấn đề này cho chính mình. Những phương pháp đầu tiên trong việc tìm kiếm “góc nhìn cá nhân” và “phong cách riêng” trong hình ảnh là khi mình học lớp của Nick Knight. Nick Knight là một biểu tượng của nhiếp ảnh thế giới đương đại. Người ta không gọi ông là photographer mà gọi ông là một Fashion Icon, một tư tưởng, một Master. Đối tượng học lớp này toàn là những người photographer nổi tiếng thế giới mà tên tuổi và hình ảnh của họ trên bìa các tap chí hàng đầu thế giới mỗi ngày. mình chỉ là người quá nhỏ bé dạo chơi trong một thể loại không phải là của mình để tìm hiểu câu trả lời cho chính mình về nhiếp ảnh. Trong lớp này Nick Knight đưa ra rất nhiều phương pháp từ cơ bản đến cao hơn để có thể trả lời chính xác nhất thế nào là phóng cách cá nhân khác biệt. mình còn nhớ rõ một trong những bài tập cơ bản đầu tiên đó là: Ông bắt mỗi người phải lựa ra tấm ảnh mình ưng ý nhất từng chụp rồi nhờ những người khác không biết gì về mình xem ảnh và đoán xem tính cách của mình như thế nào. Vâng là đoán tính cách của người chụp chứ không phải góp ý về việc đẹp xấu hay kỹ thuật này hình thức nọ. Sau khi những người lạ đó viết suy đoán của họ về tính cách của mình ở mặt sau tấm ảnh thì sẽ đến mình xem và nhìn nhận xem họ nói có đúng về mình không? Nếu không đúng thì như thế nào đúng? Nếu được chụp lại trong hoàn cảnh đó ta phải chụp thế nào để hình ảnh thể hiện được tính cách của chính mình. Có nhiều bài tập đa dạng và phức tạp hơn, nhưng cũng có những bài tập đơn giản nhưng hiệu quả hơn rất nhiều. Ví dụ như bài tập nghiên cứu về tính cách và góc nhìn  của 100 masters huyền thoaị và đương đại của thế giới ở tất cả các thể loại nhiếp ảnh. Ông đưa ra 100 cái tên huyền thoại đủ mọi thể loại từ NAG chiến trường , đến NAG chân dung, thời trang, báo chí… Không những phải tìm hiểu về tính cách và đặc trưng hình ảnh của họ, mà còn phải tìm hiểu về hoàn cảnh và các bước ngoặc trong cuộc sống của họ. Phải tìm hiểu xem điều gì, biến cố gì hay bối cảnh nào đã làm những Master này có góc nhìn khác biệt với mọi người….Cách đây 3 năm mình có chia sẽ cho một group học viên nghiên cứu giáo trình này của Nick Knight. Chỉ có một số ít trong đó thực sự hiểu và trân trọng giáo trình này. Vài người trong số họ vẫn nghiên cứu và theo đến ngày hôm nay.  Còn đa số những người còn lại thì đến chỉ vì nó …Free. Đến để hy vọng lụm được “chiêu trò” nào hay ho thì lượm.  Và khi đụng một giáo trình level  Masterclass như vậy thì sẽ hoàn toàn không có kiến thức mang yếu tố “hình thức”kỹ thuật nào nữa. Tất cả chương trình chỉ tập trung vào Content và Perspective.        
 
Photo Face-Off là cuộc thi ảnh quốc tế do Canon Singapore tài trợ được tổ chức khắp các nước Châu Á và phát trên kênh History Channel.  Theo nội dung thi thì sẽ có 2 thí sinh tiêu biểu nhất khi được lọt vào vòng chung kết sẽ phải thi chụp ảnh 1 sự kiện cùng với môt nhiếp ảnh gia tên tuổi hàng đầu của Châu Á và thế giới. mình may mắn được Canon Châu Á là đơn vị tài trợ mời làm 1 trong 3 giám khảo của vòng thi chung kết.  Đề tài đưa ra là một “sự việc sẵn có’ và các thí sinh sẽ phải chụp trong 1 thời gian nhất định.  Kết quả cuối cùng mình và 1 nữ giám khảo khác đã bình chọn hình ảnh của một thí sinh nghiệp dư chứ không phải là của NAG nổi tiếng kia. Bức ảnh của vị NAG kia quá hoàn hảo và bắt mắt, bố cục chuẩn, ánh sáng lung linh, khoảnh khắc chính xác. Tuy nhiên khi nhìn vào tấm hình đó một lúc thì người xem chả còn suy nghĩ gì hay tò mò gì về “nội dung” tấm hình nữa. Còn tấm ảnh của bạn nhiếp ảnh nghiệp dư kia nếu mới xem lướt qua, và nếu chỉ xét về phương diện “hình thức” thì nó gần như là một tấm ảnh hỏng. Tấm ảnh đó hơi lem luốc loè nhoè, bố cục hay góc máy không quá chỉnh chu, khoảnh khắc cũng không quá hoàn hảo đúng timing .  Nhưng khi xem ảnh một lúc mình cảm thấy lôi cuốn, tò mò, nhìn vào ảnh cũng nhẹ nhàng, sảng khoái hơn. mình cảm thấy góc chụp bạn này có vẻ nhút nhát rụt rè chứ không bạo dạng như tấm ảnh đầy kỹ thuật của NAG nổi tiếng kia. Nhưng nhờ cái góc chụp mà mình nghĩ là nhút nhát rụt rè đó lại cho mình thấy được một góc nhìn khác biệt của sự việc. Việc tấm ảnh loè nhoè do bấm vội cho mình thấy được phần nào suy nghĩ và cảm nhận của người chụp tại thời điểm bấm máy. Tới giờ mình vẫn nhớ như in tấm ảnh đó. Còn tấm ảnh của NAG nổi tiếng kia chỉ nhớ mang máng. Cũng vui vì vị giám khảo nữ kia cũng có cùng quan điểm như mình.  

Sau này khi có dịp đi chụp nhiều với anh Hải Thanh. mình càng nhìn thấy rõ hơn về tính cách và góc nhìn khác biệt này. Đôi lúc cùng đứng trước một sự việc, cùng chụp một sự việc, tối về mình hí hửng định khoe anh những tấm ảnh mà Bmìnhow cảm thấy tâm đắc trong ngày. Nhưng khi nhìn qua ảnh của anh Hải Thanh, đôi lúc mình cảm thấy hình ảnh của mình hời hợt và có chút châm biếm tiêu cực chứ không có chiều sâu tình cảm như ảnh của anh. mình ý thức rằng đó chính là cái nhìn khác biệt về tính cách hình ảnh. Cũng cần nói thêm Hải Thanh là một nhiếp ảnh gia có level master và được nhiều bạn bè thế giới ngưỡng mộ. Mọi người cững biết Magnumphoto là tổ chức nhiếp ảnh huyền thoại và cũng là đẳng cấp số một thế giới lâu nay. Những nhiếp ảnh gia huyền thoại của tổ chức này đã định hình nên kiến thức và giá trị hình ảnh cho nền nhiếp ảnh nhân loại gần cả một thế  kỷ nay. mình vinh dự có một cô bạn người Pháp là photographer của tổ chức này. Cô hay về Việt Nam để theo đuổi 1 đề tài tư liệu. Có lần lúc ăn uống mình đưa hình ảnh của anh Hải Thanh cho cô xem .Cô đã rất ngưỡng mộ và nói được khá chính xác tính cách của anh Hải Thanh. Đồng thời cũng rất nôn nóng được gặp anh.     

4. Kết Luận 

Có lẻ mình là con người hơi cực đoan về quan niệm sống, làm việc và cả hình ảnh, nên mình thường chỉ đánh giá cao hình ảnh của ai đó khi đáp ứng được 3 yếu tố trên. Nếu nói cực đoan chút nữa thì những người có đủ 3 yếu tố trong ảnh mới đáng được gọi là một “nhiếp ảnh gia” đúng nghĩa. Còn nếu chỉ có “hình thức” thì dù hình thức có bắt mắt đến đâu bạn chỉ là 1 “thằng thợ chụp”. Và tệ hơn nữa nếu ảnh bạn chỉ có “hình thức”, nhưng “hình thức” đó là do người khác tạo ra và bạn đang cố thể hiện lại cho giống thì bạn chỉ là một “thằng thợ chụp” chiêu trò và tệ hại. Còn nếu hình ảnh của bạn chỉ có  “nội dung” nhưng “hình thức” chưa đủ để khách hàng và người xem ghi nhận thì có thể tạm gọi bạn là một nhiếp ảnh gia “chưa đủ chuyên nghiệp”. Còn nếu bạn chỉ có yếu tố thứ 3 là “góc nhìn nhận khác biệt”, nhưng “nội dung” và “hình thức” không có, thì bạn có thể tự gọi mình là …nghệ sĩ. Từ nghệ sĩ mà mình nói mang ý nghĩa tích cực hay tiêu cực thì rất khó để phân định vì nó tuỳ đẳng cấp và sân chơi của “nghệ sĩ” đó. 

 mình quan niệm 3 yếu tố đó mới là cách tiếp cận đúng đắng và là giá trị thật sự của nhiếp ảnh. Nếu một số bạn nghĩ rằng để làm được 3 việc này là điều không thể để thành công trong môi trường commercial; nếu bạn vẫn nghĩ commercial là phải chiều ý khách hàng để kiếm tiền thì có lẻ do bạn chưa đủ kiến thức, chưa đủ trải nghiệm, cũng như chưa đủ chuyên nghiệp. Cũng có thể do bạn tiếp cận lệch lạc về nhiếp ảnh, bạn chỉ đang coi nhiếp ảnh là một công cụ để tìm kiếm danh vọng hoặc tiền bạc. Còn nhẹ nhàng hơn có thể  là bạn chưa đủ tự tin vào bản thân và cũng chưa đủ chuyên nghiệp để khách hàng tin tưởng vào giá trị của bạn.  Nhiếp ảnh là một lĩnh vực tư duy và khách hàng trả tiền cho bạn là để mua những giá trị tư duy đó của bạn. Vấn đề của bạn là làm sao để chứng minh cho người ta thấy giá trị của bạn ở đâu và họ trả tiền cho bạn là để nhận được những giá trị gì. Chứ không phải họ công nhật cho 1 thằng thợ chụp đứng đó bấm nhẹ vào máy ảnh.  Nếu bạn coi trọng tư duy, coi trọng cảm xúc và giá trị khác biệt của bạn, thì bạn sẽ thấy nó rất giá trị. Còn nếu bạn coi thường nó hoặc thiếu tự tin thì bạn chỉ đang bán sức lao động lao động chân tay như một người thợ mà thôi. Chính bạn tự hạ thấp mình xuống thành 1 thằng thợ chụp. Thế nên những ai nói rằng đối với nhiếp ảnh commercial thì khách hàng là trên hết, là phải chiều theo ý khách …..thì có lẻ bạn chưa đủ sự chuyên nghiệp cần thiết để trở thành một commercial photographer đúng nghĩa.  

Nguồn: Bow101.com

Leave a Comment