Quang sai màu là gì?
Quang sai màu (tên tiếng Anh: Chromatica aberration), được gọi là biến dạng màu sắc. Hiện tượng này xảy ra ở ống kính khá phổ biến do các bước sóng ánh sáng đi qua thấu kính bị bẻ cong (khúc xạ) không chính xác. Khi đó ống kính máy ảnh sẽ không tập trung tất cả màu sắc vào cùng một tụ điểm và có thể khiến một đường màu ngoài ý muốn xuất hiện quanh các cạnh của đối tượng trong ảnh.
Để diễn tả 1 cách cụ thể, mặt phẳng tiêu điểm của cảm biến là nơi tập hợp các điểm lấy nét và tất cả ánh sáng đi qua ống kính phải kết hợp để ghi lại hình ảnh một cách chính xác. Có điều tuỳ vào cấu tạo ống kính cũng như độ dài tiêu cự và khẩu độ đã chọn, các bước sóng ánh sáng sẽ hội tụ tại các điểm phía trước hoặc phía sau mặt phẳng tiêu điểm.
Hiện tượng các bước sóng đi xuyên qua thấu kính nhưng không hội tụ tại một điểm trên cảm biến sẽ gây ra vấn đề quang sai. Từ đó xuất hiện các viền màu xanh, tím, đỏ xung quanh chủ thể gây khó chịu cho người nhìn gọi là quang sai màu.
Các loại quang sai màu
Quang sai trục (Longitudinal Chromatic Aberration)
Quang sai trục còn được viết tắt là “LoCA”. Hiện tượng này xảy ra trong trường hợp mỗi bước sóng màu khác nhau tập trung ở một khoảng cách lệch với ống kính và không tụ lại cùng một điểm sau khi đi qua ống kính.
Trong trường hợp gặp phải LoCA, viền màu có thể nhìn thấy xung quanh chủ thể ở phạm vi toàn bộ khung hình, ở điểm trung tâm hay ở các cạnh viền. Quang sai dọc thường xuất hiện điển khi dùng tiêu cự dài. Một ống kính với một tiêu cự khẩu độ nhanh, kể cả với những ống kính cao cấp, đắt tiền cũng dễ bị “dính” LoCA hơn so với ống kính có khẩu độ chậm hơn.
Quang sai ngang (Lateral Chromatic Aberration)
Quang sai ngang xảy ra khi các bước sóng màu khác nhau hội tụ trên cùng một mặt phẳng nhưng tại các điểm khác nhau. Vì vậy mà góc ánh sáng đi vào ống kính, độ phóng đại hoặc biến dạng của thấu kính cũng bị thay đổi theo bước sóng.
Quang sai ngang thường chỉ hiển thị trên các cạnh của khung hình chứ và thường xuất hiện khi dùng độ dài tiêu cự ngắn. Trường hợp này rõ ràng nhất là khi các ống kính không đối xứng. Chẳng hạn như ống kính tele và ống kính tele đảo ngược. Nguyên do là bởi độ phóng đại hay biến dạng của các góc thấu kính.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng quang sai màu
Quang sai màu xảy ra vì ống kính camera lại hoạt động như một lăng kính. Bởi khi đó, ánh sáng bị bẻ cong như cách lăng kính tam giác hoạt động và màu sắc đi qua ống kính sẽ bị tách ra theo nhiều góc khác nhau.
Vì ánh sáng được tạo thành từ rất nhiều bước sóng khác nhau và mỗi bước sóng tương ứng với một dải màu. Vậy nên tất cả các bước sóng đó hội tụ tại một điểm duy nhất trên cảm biến máy ảnh để phát hiện ra đúng màu sắc của ánh sáng.
Việc có một chiếc lens chất lượng quang học tốt là cần thiết để kiểm soát hướng đi của các bước sóng đến cảm biến, vì nó sẽ phụ thuộc vào hệ thấu kính bên trong ống kính. Trên thực tế, hầu như mọi ống kính đều bị quang sai màu nhưng mức độ của nó sẽ khác nhau, do đó bạn có thể nhìn thấy hoặc không. Tuy nhiên bạn vẫn có thể tránh hiện tượng này.
Cách tránh hiện tượng quang sai màu
Tránh các khung cảnh có độ tương phản cao
Khi chụp các cảnh có độ tương phản cao, tỷ lệ quang sai màu xuất hiện sẽ cao hơn. Vậy nên để tránh độ tương phản cao, bạn hãy chuyển phông nền sang tông màu phù hợp hơn với chủ thể. Hoặc bạn có thể đợi điều kiện ánh sáng tốt hơn và thuận lợi hơn.
Ví dụ như bạn có thể đợi cho đến khi mặt trời lặn nếu bạn chụp ảnh ban ngày, bởi khi đó ánh sáng sẽ không quá chói. Bằng cách này, ánh sáng có thể trông dịu mắt hơn và cảnh sắc cũng sẽ sẽ ít có sự tương phản hơn.
Đặt chủ thể vào giữa khung hình
Quang sai màu thường dễ xuất hiện hơn ở phần rìa của khung hình. Vậy nên bạn cần đặt chủ thể ở trung tâm để hiện tượng quang sai màu này sẽ ít hoặc không xuất hiện trên chủ thể của bạn.
Với những bức ảnh bị viền màu ở phần rìa, bạn có thể loại bỏ phần viền này đi. Nhưng trong một số trường hợp bạn cần giữ nguyên kích thước ảnh, chẳng hạn như với các bản in lớn. Vậy nên không phải lúc nào bạn cũng có thể cắt bớt ảnh.
Vậy nên nếu muốn tránh quang sai màu, bạn hãy chụp ảnh ở độ phân giải cao để chất lượng hình ảnh vẫn tốt dù bạn cắt ảnh. Còn với các bản in nhỏ hoặc chia sẻ ảnh trực tuyến, nếu việc cắt bớt không ảnh hưởng đến khả năng truyền tải của bức ảnh thì bạn có thể sử dụng cách này.
Giảm khẩu độ ống kính
Việc giảm khẩu độ sẽ giúp giảm tối đa các khuyết điểm của ống kính, trong đó có cả quang sai màu. Tuy nhiên, phương pháp này có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào loại ống kính mà bạn sử dụng.
Thay vì dùng khẩu độ f/2.8 hoặc f/4, bạn hãy thử chụp ở khẩu độ f/8 hoặc f/11 và kiểm tra xem hiện tượng viền màu có xuất hiện trên ảnh nữa hay không. Có thể nó sẽ làm giảm lượng ánh sáng đi đến ống kính và bạn phải giảm tốc độ cửa trập, điều chỉnh ISO để có được độ phơi sáng đúng ý.
Điều chỉnh độ dài tiêu cự lens
Hầu hết các ống kính zoom đều xảy ra hiện tượng quang sai màu tiêu cự được đặt ở mức cực độ. Vậy nên để tránh xảy ra vấn đề này, bạn cần đặt độ dài tiêu cự theo hướng về phía giữa phạm vi ống kính. Lưu ý là khi sử dụng ống kính zoom, bạn nên tránh sử dụng chúng ở tiêu cự dài nhất hoặc ngắn nhất bởi dễ bị quang sai màu hơn.
Sử dụng các cài đặt có trong máy ảnh
Hiện nay, một số máy ảnh có cài đặt các tính năng có thể hạn chế hiện tượng quang sai màu. Tính năng này được thiết kế đặc biệt để giảm sự xuất hiện của viền tím. Ví dụ như dòng máy Panasonic Lumix và các máy ảnh DSLR Nikon, Sony đời mới hơn thường có tính năng xử lý được thiết kế đặc biệt để loại bỏ viền tím.
Dùng thấu kính có độ phân tán thấp và ống kính đối xứng
Về mặt này, bạn cần hiểu thấu kính để chọn loại được làm từ kính có độ phân tán thấp. Nhất là những loại có chứa fluorit có thể làm giảm đáng kể hiện tượng quang sai màu. Ngoài ra để tránh hiện tượng quang sai màu, hãy dùng ống kính được thiết kế đối xứng về vòng dừng, khẩu độ.
Nguồn tham khảo: kyma.vn, binhminhdigital, VJ Shop