Bố cục đường dẫn là gì?
Bố cục đường dẫn (leading lines) là kỹ thuật bố cục hình ảnh với các hình dạng đường thẳng, nó thể hiện các đường liền trong ảnh và hướng mắt người đến một đối tượng, thứ gì đó. Bất kể khi nào mắt người nhìn vào một hình ảnh, nó sẽ bị thu hút một cách tự nhiên vào những đường nét hiện trong ảnh.
Những đường dẫn này sẽ hướng cái nhìn của mắt người đến một điểm ảnh cụ thể. Đường dẫn giúp mắt người xem chuyển từ phần này sang phần khác của hình ảnh liền mạch hơn. Đồng thời cũng sẽ tạo ra các chuyển động trong ảnh, giúp thu hút người xem chú ý đến trọng tâm mà bạn muốn hướng đến hình ảnh của bạn. Chẳng hạn như một con đường hoặc dòng sông, để hút ánh mắt của người xem đến chủ thể chính (con thuyền, hòn đảo..) của bức ảnh. Thường đường dẫn sẽ hướng về phía dưới cùng hoặc góc của khung hình.
Các loại bố cục đường dẫn
Đường dẫn thẳng đứng
Đường thẳng đứng có lẽ là những đường dẫn phổ biến nhất được sử dụng trong bố cục nhiếp ảnh vì nó dễ tạo ra tác động mạnh mẽ, trực tiếp nhanh nhất. Với đường dẫn thẳng đứng thì dù nó ở chiều dọc, chiều ngang hay chéo thì đều đem lại cảm giác có chiều sâu, hút mắt hơn.
Các đường thẳng đứng thường dễ truyền tải được cảm giác đầy mạnh mẽ và tự tin. Những đường dẫn này có thể thẳng hoặc hơi cong và đều đem lại ảnh hưởng đến cấu trúc, cảm xúc trong khung hình. Vì vậy kiểu đường dẫn này thường được sử dụng để nhấn mạnh tính hùng vĩ, cảm giác ấn tượng mạnh mẽ của đối tượng trong khung hình.
Vậy nên bạn sẽ thấy rất nhiều đường thẳng đứng trong nhiếp ảnh thời trang, nhiếp ảnh đường phố, chụp những công trình kiến trúc chọc trời, cây cao chót vót,… Vì chúng hướng mắt người nhìn lên hoặc nhìn xuống và có thể sử dụng để truyền đạt trạng thái trong bức ảnh của bạn.
Đường dẫn ngang
Bạn sẽ thường nhìn thấy đường dẫn ngang được trong các bức ảnh thiên nhiên, phong cảnh. Thường nó là các đường dẫn kéo dài trên toàn bộ chiều rộng trong khung hình của bức ảnh. Lý do các đường dẫn ngang thường được dùng trong ảnh chụp thiên nhiên phong cảnh vì nó đem lại cảm giác yên bình, sự cân bằng đầy tĩnh lặng, giúp làm giảm stress và mang đến cảm giác thư thái cho người nhìn.
Bên cạnh đó, đường dẫn ngang cũng giúp truyền tải những đặc điểm của môi trường hay chủ đề bức ảnh. Chẳng hạn như trong ảnh kiến trúc, đường dẫn ngang sẽ giúp nhấn mạnh sự vững chắc trong cấu trúc của các thiết kế kiến trúc.
Vậy nên các đường dẫn ngang cũng rất quan trọng trong nhiếp ảnh không kém đường dẫn thẳng đứng. Nó giúp cho nhiếp ảnh gia tạo ra được những bức ảnh có ảnh hưởng trực quan đến cảm xúc của người xem. Người chụp có thể dùng ống kính góc rộng khi muốn ứng dụng dạng đường dẫn này.
Đường dẫn cong
Những đường dẫn cong cũng khá phổ biến và bạn có thể nhìn thấy ở nhiều nơi khác nhau. Ví dụ như bạn có thể chúng tìm thấy dưới dạng những con đường quanh co, con sông uốn lượn hay những mái vòm kiến trúc. Loại đường dẫn này sẽ đen lại cảm giác uyển chuyển, mượt mà và nhịp nhàng hơn khi hướng mắt người xem một cách mềm mại hơn so với các đường thẳng.
Dạng đường cong chữ “S” là một loại đường cong đặc biệt dễ chịu và được dùng phổ biến trong chụp ảnh phong cảnh và thiên nhiên.
Đường dẫn chéo
Dạng đường dẫn này giúp đem lại cảm giác năng động và tràn đầy năng lượng. Những đường dẫn chéo này thường sẽ cắt ngang khung hình theo một góc và tạo ra một chuyển động lẫn phương hướng. Qua đó đem lại một bố cục khái quát cho bức ảnh. Thường những đường chéo thường sẽ nhấn mạnh vào khoảng cách từ tiền cảnh đến hậu cảnh.
Bạn nên thử sử dụng đường dẫn chéo dù so với các đường dẫn ngang và thẳng nó không phổ biến bằng. Vì đường dẫn chéo là một sự thay thế khá mới mẻ giúp tạo ra những bố cục chuyển động tinh tế. Nó không tạo cảm giác khá “thô” và cứng nhắc như đường dẫn thẳng hay ngang mà đường dẫn chéo mang lại cảm giác tự nhiên và nhẹ nhàng hơn.
Đường dẫn hội tụ
Đường dẫn hội tụ hay còn được gọi là các đường phối cảnh và bạn dễ bắt gặp chúng trong chụp ảnh kiến trúc và đường phố. Đường hội tụ xuất hiện là khi hai hoặc nhiều đường bắt đầu từ các điểm khác nhau nhưng tụ lại gặp nhau tại một điểm duy nhất trong ảnh và thường đó là ở đường chân trời.
Khi các đường từ tiền cảnh và hậu cảnh gặp nhau, nó đem lại cảm giác có chiều sâu về khoảng cách, phối cảnh, qua đó mang lại cảm giác ba chiều cho hình ảnh hai chiều. Đôi lúc các đường dẫn hội tụ cũng có thể được sử dụng để tạo ra căng thẳng và xung đột hoặc để chuyển hướng tiêu điểm của bức ảnh.
Đường dẫn ngụ ý
Đường ngụ ý có thể hiểu là những đường không tồn tại thực tế trong bức ảnh mà nằm trong, trí tưởng tượng mà người chụp có thể tạo ra cho người nhìn. Chẳng hạn điều hướng mắt của người xem theo hướng mắt mà người mẫu trong ảnh đang nhìn, người xem ảnh khi đó cũng sẽ theo dõi xem mẫu đang nhìn gì và đó là thứ có thể tạo thành một đường dẫn rất độc đáo trong một bố cục.
Đường dẫn gián đoạn
Đường dẫn gián đoạn được hiểu là một dòng đầu bị phá vỡ bởi một thứ gì đó hoặc một đối tượng khác trong khung. Chẳng hạn như, một hàng rào có thể bị gián đoạn bởi một người, một cái cây hay một cánh cổng. Dạng đường dẫn này có thể tác động đến sức căng trong ảnh, tăng thêm sự mới mẻ, hứng thú với người nhìn đến bố cục bằng cách phá đi sự nhàm chán, đơn điệu của một đường dẫn liên tục.
Nguồn tham khảo: vjshop, duytom, kyma.