Liên kết giữa tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh để tạo chiều sâu
Sự liên kết giữa 3 yếu tố trên khá quan trọng trong việc tạo ra chiều sâu cho ảnh, nhất là đối với những trường hợp chụp phong cảnh, khi đó bức ảnh sẽ có sự liên kết chặt chẽ giữa các yếu tố tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh. Việc kết nối những yếu tố này rất quan trọng nếu muốn tăng chiều sâu cho bức ảnh.
Khi thành công liên kết được chúng với nhau, nó sẽ giúp cho mắt người xem tập trung nhìn và ngẫm được nội dung của toàn bức ảnh. Ở đó, tiền cảnh giúp gây sự chú ý và thu hút mắt người xem vào trung cảnh bởi thường chủ thể chụp sẽ được đặt ở trung cảnh. Khi đó trung cảnh sẽ có sự kết nối nào đó với hậu cảnh khiến cho người xem quan sát được toàn bộ bức ảnh.
Phối cảnh đường thẳng
Phối cảnh đường thẳng thường là loại phối cảnh thường gặp nhất và cũng là kiểu dễ áp dụng nhất. Ở thể loại này, điểm nhấn của ảnh sẽ nằm ở 2 hai bên lề của con đường, vì vậy bạn nên đưa hai đường song song này vào giữa khung hình để làm nổi bật.
Bên cạnh đó, bạn hãy lấy nét ở vô cực và đặt khẩu độ nhỏ, không để những yếu tố khác không liên quan lọt vào khung hình. Thực hiện tốt các bước này, kết quả bạn thu về được sẽ là một con đường dài với hiệu ứng thị giác ấn tượng, xoáy sâu vào mắt nhìn của người xem. Những bức ảnh kiểu này thường dễ thu hút, tạo ấn tượng mạnh ngay lần đầu nhìn vì khiến người xem có ảo giác về không gian.
Để có thể chụp những bức hình phối cảnh đường thẳng, bạn nên sử dụng những lens góc rộng vì đây là loại ống kính có khả năng xóa ranh giới giữa tiền cảnh và hậu cảnh bằng cách nhấn mạnh vào điểm cuối tấm hình – nơi gặp nhau của hai đường thẳng, khiến chiều sâu của bức ảnh trở nên rõ rệt và dễ cảm nhận hơn. các lens wide.
Phối cảnh trên không
Với mục đích chụp hình có chiều sâu thì phối cảnh trên không là phương pháp mà bạn nên cân nhắc áp dụng. Đây là kỹ thuật được nhiều người ưa dùng khi chụp ảnh phong cảnh trong không gian rộng, bao la và có nhiều sương, mây vì khả năng tạo nên hiệu ứng chiều sâu cho mắt người nhìn. Chủ thể chụp càng nằm gần ống kính nhất sẽ càng nhìn sắc nét nhất và càng xa thì càng mờ ảo.
Nếu ảnh chụp áp dụng phối cảnh trên không, bạn sẽ cảm thấy từng thành phần trong ảnh được tạo nên bởi nhiều lớp khác nhau, nhìn như một tác phẩm nghệ thuật hội hoạ. Đó là nhờ sự tương phản rõ nét về màu sắc và độ sắc nét của phần tiền cảnh và hậu cảnh.
Ngoài ra, cũng nhờ khác biệt rõ rệt về độ tương phản được tạo nên bởi các tia sáng bị khúc xạ sau khi đi qua từng nhiều tầng khí quyển nên nó tạo ra hiệu ứng thị giác sống động, huyền ảo.
Phối cảnh kiểu thu nhỏ
Đây là dạng phối cảnh này tương đối giống với dạng phối cảnh đường thẳng ở điểm là đều thể hiện hình ảnh với góc nhìn xa xăm, hướng mắt người xem đến một đường thẳng, trong đó có thể chứa các chủ thể và chúng nhỏ bé dần về phía hậu cảnh, nhìn ảo diệu và ấn tượng.
Chẳng hạn như bạn định chụp một con đường vắng ban đêm với hai hàng đèn đường đem lại cảm giác cô đơn, trước tiên bạn nên đặt hai hàng cột đèn thẳng hàng vào tiền cảnh để tạo điểm nhấn, những chiếc đèn ấy càng ở ra xa về phía sau sẽ càng nhỏ đi cho đến cuối khung hình chỉ còn những chấm nhỏ lờ mờ.
Cần lưu ý rằng điểm nhấn của loại bố cục này là dãy các vật thể sẽ cứ bé dần đều, nó rõ nét ở tiền cảnh và càng mờ nhạt khi tiến về hậu cảnh. Làm tốt điều này thì bạn sẽ tạo ra khác biệt cơ bản so với phối cảnh kiểu đường thẳng.
Một điểm lưu ý nữa khi định áp dụng kỹ thuật này là các chủ thể nên đồng nhất từ về màu sắc, hình dạng và kích cỡ. Bởi thường thị giác con người dễ bị thu hút với các vật thể có cùng kích thước nhưng khác biệt về khoảng cách. Nó sẽ giúp íc cho bức ảnh của bạn trong việc trở nên có chiều sâu và lắng đọng hơn.
Đóng khung
Với cách đóng khung này, bạn có thể hiểu đơn giản đó là sử dụng một số yếu tố ở tiền cảnh phù hợp và để chúng bao quanh chủ thể trong ảnh của bạn. Đây là phương pháp được dùng phổ biến trong nhiều thể loại như ảnh chân dung, ảnh phong cảnh,… Nhờ việc được đóng khung, nó sẽ giúp bức ảnh của bạn có một góc nhìn mới, tăng thêm chiều sâu cho ảnh.
Đường dẫn
Áp dụng đường dẫn là phương pháp dùng để tận dụng các yếu tố có trong khung hình và khai thác hiệu quả các bố cục để tạo ra chiều sâu cho bức ảnh. Sử dụng đường dẫn là một kỹ thuật khá hiệu quả, nhất là chụp ảnh phong cảnh, kiến trúc,…
Khi sử dụng đường dẫn, nó sẽ giúp tạo hiệu ứng chuyển động trong bức ảnh nhờ những đường dẫn mắt người xem từ vùng này sang một vùng khác trong bức ảnh. Bên cạnh đó, những đường dẫn cũng tạo sự chú ý mạnh mẽ vào chủ thể bức ảnh tạo ra hiệu ứng không gian rộng hơn, có nhiều chi tiết hơn.
Bóng đổ
Để có thể áp dụng hiệu quả những hiệu ứng bóng đổ sẽ phụ thuộc nhiều vào ánh sáng tự nhiên và việc người chụp biết căn chỉnh máy, bắt được khoảnh khắc độc đáo để bức ảnh cuối cùng trở nên có chiều sâu. Với việc biết cách tận dụng bóng đổ trong tiền cảnh, trung cảnh lẫn hậu cảnh, nó có thể khiến cho một bức ảnh bình thường, “phẳng” trở nên ảo diệu, tạo ra những hiệu ứng như 3D thu hút thị giác.
Độ sâu trường ảnh (DOF) mỏng
Chụp với độ sâu trường ảnh (DOF) mỏng là cách làm đơn giản nhưng hiệu quả mà bạn có thể thực hành. Khi làm mờ hậu cảnh, nó đem tác dụng tạo chiều sâu cho bức ảnh rất tốt. Kỹ thuật này giúp bạn tách hẳn chủ thể ra khỏi phông nền thông qua sự khác biệt giữa rõ nét và “out nét” của các chi tiết trong bức ảnh. Chiều sâu của bức hình được thể hiện thông qua độ nét giữa chủ thể và hậu cảnh.
Nguồn tham khảo: lbm, thietbiquayphim, binhminhdigital