Hiện tượng Flare là gì?
Trong nhiếp ảnh, hiện tượng Flare (lóe sáng) được hiểu là hiện tượng ánh sáng đi qua ống kính máy ảnh bị phân tán một cách hỗn loạn và không theo ý muốn người chụp. Hiện tượng Flare xảy ra bên trong ống kính, bắt nguồn từ các nguồn sáng mạnh bên ngoài trường nhìn của ống kính.
Các tia sáng mạnh sẽ đi vào ống kính và liên tục phản xạ giữa các thấu kính khiến chúng hội tụ trên cảm biến không đi theo một quy trình nào. Vì phản xạ hỗn loạn trong hệ thống quang học như vậy nên nó có tác động đến định hình đường đi của các tia sáng khác.
Hậu quả đó là nó sẽ tạo nên một vệt sáng cùng các hình đa giác làm mờ nhòe, suy giảm độ tương phản và làm mấy những chi tiết sắc nét của hình ảnh. Điều kiện dẫn đến hiện tượng flare (lóe sáng) là có ánh sáng cường độ mạnh (lớn hơn ánh sáng khúc xạ) chiếu vào ống kính.
Các dạng Flare
Veiling
Dạng flare này thường xuất hiện khi nguồn sáng mạnh nằm bên ngoài góc nhìn của máy ảnh. Bạn có thể nhận diện loại flare này khi nhìn thấy bức ảnh bị mờ, đục kèm theo việc màu sắc và độ tương phản rất thấp. Trong nhiều trường hợp tồi tệ hơn, bức ảnh có thể không sử dụng được vì tất cả các nét ảnh đều bị mất hết.
Ghosting
Đây là hiện tượng lóe sáng với sự xuất hiện của những các hình đa giác và các vết sọc sáng kéo dài. Điều này làm giảm độ tương phản về màu sắc của khung hình, làm chủ thể trở nên “tàng hình”.
Với hiện tượng ghosting này, hình dạng và kích thước của chúng không giống nhau và phụ thuộc vào số thấu kính, số lá khẩu được thiết kế bên trong ống kính. Nếu ống kính càng chứa nhiều thấu kính thì các hình đa giác sẽ xuất hiện càng nhiều. Vì các tia sáng sẽ phản xạ liên tục giữa các thấu kính và đi lệch khỏi quỹ đạo nhiều hơn.
Red dot/Sensor
Dạng flare này xuất hiện dưới hình thức là các chấm đỏ hoặc vệt đỏ trên màn hình. Nguyên nhân đến từ việc các tia sáng cường độ mạnh phản xạ qua lại giữa cảm biến và các thấu kính. Hiện tượng flare này thường xuất hiện trên các máy ảnh không gương lật.
Các yếu tố ảnh hưởng đến Flare
Số lượng thấu kính bên trong ống kính: Nếu thiết kế quang học của ống kính có càng nhiều thấu kính thì hiệu ứng flare càng xuất hiện nhiều hình đa giác.
Tiêu cự ống kính: Một ống kính có tiêu cự càng dài sẽ càng dễ gây ra hiện tượng flare bởi khả năng khuếch đại của nó.
Thiết kế ống kính: Hầu hết những ống kính mới hiện nay đều được trang bị tính năng hạn chế phản chiếu nhờ có thêm các lớp phủ chống lóa hoặc thiết kế thấu kính trước thụt vào…
Filter: Dùng Fliter (kính lọc) là một trong những phương pháp được dùng để giảm thiểu hiện tượng lóa sáng xuất hiện trong ống kính. Tuy nhiên, nếu sử dụng các loại kính lọc chất lượng thấp sẽ làm giảm bớt các tia sáng tốt đi vào ống kính, từ đó làm giảm chất lượng hình ảnh.
Lens dính bụi, bẩn: Đây cũng là một trong những yếu tố làm gia tăng hiện tượng lens flare cho khung hình của bạn. Vì vậy để hạn chế gặp phải tình trạng này, hãy lưu ý bảo quản chiếc ống kính của mình khỏi bụi bẩn và giữ nó sạch nhất nhé.
Cách xử lý hiện tượng Flare
Dùng Lens Hood (loa che ống kính)
Đây là phụ kiện hỗ trợ tích cực giúp che bớt một lượng ánh sáng không cần thiết đi vào ống kính, giúp giảm hiện tượng flare hiệu quả. Các loa dạng bông hoa (xẻ cánh sen) có tác dụng bảo vệ tốt hơn so với dạng tròn. Điều này có thể lý giải do kích thước các chiều của chip cảm quang khác nhau (thường theo tỉ lệ 3/2) nên trường nhìn theo các chiều này cũng khác nhau.
Khi lắp vào ống kính, các loa dạng bông hoa, do độ dài các “cánh” khác nhau, nên khử được lens flare theo các chiều tương đối như nhau. Các loa dạng tròn chỉ khử lens flare tốt nhất theo bề rộng trường nhìn. Ngoài ra, nhiều người cũng ưa dùng loa dạng bông hoa vì trông chuyên nghiệp mặc dù giá cả cũng đắt hơn đa số loa dạng tròn.
Tuy nhiên, một loa che dù được thiết kế tốt đến mấy cũng không thể khử hoàn toàn hiện tượng lóe sáng. Nếu lắp một loa che bất kỳ lên mà không xét đến các thông số có thể làm đen 4 góc ảnh do che mất quá nhiều ánh sáng hoặc chẳng có tác dụng giảm lóe sáng.
Ngoài ra, loa che cho ống zoom dù đắt cũng chỉ có tác dụng tốt đối với một tiêu cự nhất định mà không thể bao quát toàn bộ dải tiêu cự của ống. Nói chung, không có biện pháp nào giúp giảm lens flare hoàn toàn.
Sử dụng ống kính phù hợp
Ống kính một tiêu cự có xác suất xảy ra hiện tượng flare thấp hơn hẳn so với ống kính zoom đa tiêu cự. Đặc biệt, ống kính có chất lượng quang học tốt sẽ được phủ các lớp phủ chống lóe sáng cực hiệu quả, như vậy bạn sẽ không cần phải lo bức hình của mình gặp hiện tượng này nữa.
Hiện nay nhiều nhà sản xuất đã cho ra đời các ống góc rộng với khả năng khử flare tương đối ổn. Các ống mắt cá (fish eye) cho ra rất ít các mảng lóe sáng hoặc nếu có, hiệu ứng này trông khá bắt mắt.
Chọn bố cục chụp hợp lý
Cách tốt nhất để loại bỏ lóe sáng mà có thể tiết kiệm thời gian đó là tái bố cục hình ảnh. Bạn nên cố gắng di chuyển để thay đổi hướng nguồn sáng trong ảnh Lựa chọn các góc chụp với bố cục tối ưu nhất sao cho các chùm sáng cường độ cao không chiếu vào ống kính trực tiếp.
Bên cạnh đó luôn kiểm tra hiệu ứng ánh sáng gây ra bằng chức năng Live view hoặc qua ống ngắm của máy kết hợp với phím xem trước độ sâu trường ảnh.
Bạn cũng có thể sử dụng các yếu tố có sẵn trong cảnh quan để loại lóe sáng. Chẳng hạn có thể đặt máy lên một thân cây, một tán lá, một tòa nhà… vào giữa nguồn sáng mạnh và ống kính.
Xử lý phần kính lọc
Kính lọc thường là nguyên nhân gây ra những mảng lóe sáng rất xấu trong đa số trường hợp. Do đó, bạn nên chọn kính có phủ lớp chống phản xạ để loại bỏ lens flare khi cần chụp nhiều ngoài trời.
Có thể sử dụng chính bàn tay của mình để làm loa che tạm thời cho ống kính trong trường hợp bất đắc dĩ nhất.
Nguồn tham khảo: webnhiepanh, binhminhdigital, thegioididong.