Góc chụp trung cảnh
Góc chụp trung cảnh là một trong những góc chụp ảnh ưng ý với nhiều nhiếp ảnh gia và được sử dụng thường xuyên. Trong đó, chủ thể sẽ được chụp trong khoảng từ phần đầu gối hay eo đến đỉnh đầu và khung hình được chụp gồm một phần hậu cảnh cùng chủ thể chụp. Qua đó, mục đích của việc chụp góc trung cảnh là để làm nổi bật chủ thể trong bối cảnh chụp ảnh.
Bên cạnh đó trong một số trường hợp, bạn có thể làm mờ phần nền phía sau chủ thể để giúp chủ thể nổi bật hơn. Nhất là với những phông nền nhiều màu sắc hoặc họa tiết nổi bật.
Góc chụp cận cảnh
Nếu chủ đích của bạn là muốn làm nổi bật, tôn rõ nét của đối tượng chụp thì bạn có thể chọn góc chụp cận cảnh. Đối với góc chụp cận cảnh này, nó được chia làm hai dạng: góc cận cảnh rộng và góc cận cảnh hẹp.
Với góc cận cảnh rộng, nó thường được lấy từ phần ngực trở lên. Còn ở góc cận cảnh hẹp, khung hình sẽ thường được lấy từ cổ trở lên. Thường những bức hình cận cảnh sẽ luôn nhắm đến việc tạo cho người xem một cảm giác gần gũi, tương tác trực diện hơn với chủ thể. Thông qua bức ảnh, người nhìn vào có thể cảm nhận được ý nghĩa truyền tải từ tính cách, tâm trạng hay cả những trải nghiệm của nhân vật chính trong bức ảnh.
Ví dụ như nếu đối tượng chụp là người lớn tuổi, những góc chụp cận cảnh có thể giúp người xem nhìn rõ những nếp nhăn như ẩn chứa dấu hiệu của thời gian, ẩn chứa nhiều ý nghĩa về sự trải nghiệm đằng sau những nếp nhăn ấy. Vì thế nên góc chụp cận cảnh là lựa chọn phù hợp khi bạn muốn có một bức ảnh khắc họa rõ chân dung chủ thể chụp.
Góc chụp toàn cảnh
Đối với góc này, người chụp sẽ cần phải biết cách cân đối để có thể lấy được hết toàn cảnh xung quanh chủ thể. Thông qua góc chụp ảnh này, người chụp sẽ sễ truyền tải được thông điệp cho mỗi bức ảnh mà bạn chụp hơn. Đây là góc chụp thường dùng trong chụp phong cảnh hoặc chân dung.
Với chụp toàn cảnh như vậy, bạn cần chú ý tới những phương diện màu sắc, bố cục lẫn ánh sáng của khung hình trong quá trình chụp nếu như muốn tạo ra bức ảnh đủ ấn tượng.
Góc chụp thấp
Khi một bức ảnh được chụp ở góc máy thấp, nó thường được gọi bằng cái tên ”’worm’s-eye view”. Khi đó, chủ thể trong ảnh sẽ được phóng đại gấp nhiều lần bình thường. Người chụp ở góc thấp sẽ đặt ống kính với góc ở dưới nhìn lên đối tượng chụp chính.
Góc chụp từ dưới lên như vậy mang lại cảm giác ấn tượng với hiệu ứng thị giác mạnh. Nó có thể đem lại cảm nhận về sự, tôn trọng, thanh thoát hoặc là để tạo kịch tính, thể hiện tầm vóc, sức mạnh và tầm ảnh hưởng của chủ thể trong bức ảnh.
Nếu muốn thực hiện kỹ thuật chụp này, đầu tiên bạn cần chọn một góc chụp thấp phù hợp. Bạn có thể đặt máy ảnh ở trên mặt đất hoặc đặt máy ở một vị trí thấp hơn so với chủ thể chính. Tiếp đó, bạn cần cân nhắc rằng vị trí chủ thể trong khung hình nên được căn chỉnh phù hợp và đảm bảo rằng nó nằm ở vị trí dễ nhìn thấy, là trọng tâm bức ảnh.
Góc chụp nghiêng
Với góc chụp nghiêng, nó thường được dùng khi người chụp muốn miêu tả sự lo lắng, sợ hãi của đối tượng. Hoặc có thể đó là những góc mặt thể hiện chiều sâu cho nhân vật. Góc chụp nghiêng dễ tạo ra cảm giác cuốn hút, bí ẩn cho đối tượng khi họ là nhân vật trung tâm bức ảnh.
Góc chụp ảnh qua vai
Góc chụp qua vai thường được sử dụng để tạo ra sự kết nối giữa chủ thể chính và những yếu tố xung quanh. Nó tạo ra một cảm giác đầy liên kết, có sự sâu sắc về sự tương tác và tạo ra mối quan hệ với nhau. Ngoài ra, góc chụp qua vai còn giúp đem đến cảm giác tự nhiên và đầy chân thực.
Ở góc chụp này, nó sẽ giúp người nhìn có thể cảm nhận và nhìn thấy chủ thể chính dưới góc độ đem lại sự tự nhiên. Mặt khác, góc chụp qua vai còn thể hiện sự đa chiều và khắc họa rõ nét tâm trạng của nhân vật chính. Với góc chụp qua vai, người xem có thể nhìn thấy các biểu cảm, cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể của nhân vật từ góc nhìn trực tiếp.
Khi dùng góc chụp qua vai, người chụp cần chú ý về tính cân bằng và cả góc nhìn hợp lý. Hãy luôn đảm bảo rằng máy ảnh sẽ nằm ở vị trí ổn định để không làm mất đi sự cân bằng cho khung hình. Bên cạnh đó cũng cần chọn góc nhìn hợp lý để có thể tạo ra sự kết nối, tương tác giữa các chủ thể trong ảnh.
Góc chụp cao
Những bức ảnh chụp ở góc cao dễ tạo ra ấn tượng mạnh và có thể khiến cho chủ thể nhìn nhỏ bé hơn so với không gian xung quanh. Nếu mục đích chụp của bạn là để khắc hoạ rõ hơn sự nhỏ bé hơn và yếu đuối của chủ thể thì góc chụp cao chính là sự lựa chọn phù hợp.
Góc chụp đặc tả
“Cận” hơn so với cả góc cận cảnh, đó là góc đặc tả khi đây là góc cận cảnh nhất trong tất cả các góc máy. Nếu bạn muốn nhấn mạnh đến một chi tiết của đối tượng chụp, góc đặc tả sẽ là lựa chọn hợp lý. Ở góc chụp này, bạn có thể thực hiện kỹ thuật chụp cận cảnh bằng ống kính macro.
Qua đó sẽ nhìn thấy được những chi tiết nhỏ nhất của đối tượng trong khung ảnh. Nó có thể là giọt nước bắn vào, nước mắt của đối tượng chảy xuống hay từng độ lấp lánh từ con ngươi đôi mắt.
Với thành quả là những bức ảnh được chụp bằng góc đặc tả, người nhìn có thể cảm nhận rõ nét về tâm trạng của nhân vật chính. Nhờ vậy mà góc đặc tả sẽ tạo ra sự kết nối giữa chủ thể và người xem mạnh mẽ hơn so những góc chụp khác.
Góc chụp “Cô gái Hà Lan”
Cái tên nghe đầy thơ mộng và bản chất góc chụp “cô gái Hà Lan” (Dutch Angle) cũng đẹp như tên. Bạn có thể hiểu rằng “góc chụp Cô Gái Hà Lan” là góc chụp nghiêng máy với mục đích miêu tả tâm trạng bất ổn, lo lắng, căng thẳng của đối tượng chụp.
Đối với những bức ảnh chụp theo góc máy này, nó giúp ảnh trở nên đầy nghệ thuật và cuốn hút, Bên cạnh đó khi chụp ảnh góc nghiêng như vậy, dù chủ thể đang đứng chụp hay ngồi chụp thì chiều cao nhìn tổng thể cũng được cải thiện một cách đáng kể.
Nguồn tham khảo: vjshop, anhkythuatso, unica