.
.
.

Tìm hiểu tất tần tật về tính năng ổn định hình ảnh

Tính năng ổn định hình ảnh là gì?

Tính năng ổn định hình ảnh có nhiều loại và tên gọi khác nhau. Cho dù nó được gọi bằng cái tên nào thì tất cả đều có chức năng hoạt động tương tự nhau, đó là kiểm soát, hạn chế những tác động rung lắc cho máy ảnh để có thể tạo ra hình ảnh sắc nét, chất lượng hơn.

Với những tên gọi tắt như IS, VR, OIS, VC, SteadyShot, MEGA OIS …được đặt cho tính năng ổn định hình ảnh sử dụng trong mỗi hãng máy ảnh khác nhau. Ví dụ như IS là cách gọi của hãng Canon, VR của Nikon hay MEGA OIS của Leica. Như đã nói ở trên, về mặt hoạt động, chúng đều có công năng như nhau.

odha 1

Với hệ thống ổn định hình ảnh, nó sẽ giúp các nhiếp ảnh gia chụp ảnh dễ dàng hơn kể cả trong điều kiện ánh sáng kém, đồng thời hỗ trợ chụp ảnh sắc nét trong những trường hợp khó xử lý như rung lắc. 

Trong thời gian gần đây, phần thân máy và phần lớn các ống kính mới nhất đã được tạo ra từ các hãng sản xuất máy ảnh lớn đều sở hữu tính năng ổn định hình ảnh (Image Stabilization – IS).

Tại sao cần dùng tính năng ổn định hình ảnh?

Bạn có thể đã biết đến quy tắc cơ bản trong nhiếp ảnh như: khi chụp ảnh cầm tay  tốc độ cửa trập không được chậm hơn độ dài tiêu của ống kính bạn đang sử dụng để tránh hình ảnh bị mờ nhoè do máy rung. Ví dụ như bạn chụp bằng ống kính 50mm thì tốc độ thấp nhất bạn nên chụp là 1/50 giây để tránh rung máy hay với ống kính 400mm, tốc độ sẽ là 1/400 giây.

Có điều khi dùng tính năng ổn định hình ảnh, những quy tắc này đều thay đổi hoàn toàn. Hầu hết các hệ thống tính năng IS ở hiện tại đều có thể đem đến khả năng ổn định hình ảnh trong khoảng 3-5 stops. Tức là về mặt lý thuyết, giới hạn ở tốc độ 1/200 giây trên ống kính tiêu cự có 200mm đã có thể tăng lên thành 1/13 giây (tương đương 4-stops). 

Ưu thế này đặc biệt hữu ích khi chụp ảnh cầm tay hoặc trong điều kiện ánh sáng không tốt. Đây cũng là lý do tại sao nhiều hãng máy ảnh và ống kính hiện nay đang nỗ lực mở rộng tính năng ổn định hình ảnh lên tới 6-stops và cao hơnnữa.

Các loại ổn định hình ảnh

Có 2 loại tính năng ổn định hình ảnh phổ biến: ổn định hình ảnh trên ống kính (Lens Stabilization) và ổn định hình ảnh trong thân máy ảnh (In-Camera Stabilization). 

Ổn định hình ảnh trên ống kính

Tính năng ổn định trên ống kính được hiểu là việc dùng thành phần thấu kính nổi, được điều khiển bằng điện tử và dịch chuyển theo hướng ngược lại của sự rung máy, giúp ổn định hình ảnh. Tất cả điều này được phát hiện trong micro giây. Nó có thể cung cấp khả năng ổn định lên tới 5-stops, tùy vào độ dài tiêu cự và ống kính chuyển động .

odha ok

Ưu điểm của tính năng ổn định hình ảnh trong ống kính đó là giúp đem lại hiệu suất mượt mà hơn khi dùng ống kính tiêu cự dài hơn. Còn nhược điểm chính là việc nó sẽ không có sẵn trên tất cả các ống kính. Nếu muốn sử dụng, bạn sẽ phải mua loại ống kính có tích hợp tính năng ổn định hình ảnh (IS).

Ổn định hình ảnh trong thân máy

Có một loại hệ thống ổn định hình ảnh khác cũng đang trở nên phổ biến, đó là IBIS (In Body Image Stabilization) – Hệ thống ổn định hình ảnh trong thân máy ảnh.

Nếu tính năng ổn định hình ảnh ống kính có thành phần thấu kính nổi thì ổn định hình ảnh trong thân máy có cảm biến nổi. Cảm biến này sẽ giúp trung hòa chuyển động trong máy ảnh. Để nói theo cách dễ hiểu, hệ thống ổn định hình ảnh trong thân máy ảnh cũng hoạt động tương tự như trên ống kính, nhưng nó sẽ thay đổi về mặt vật lý, dùng cảm biến để bù cho những chuyển động này.

odha tm

Ưu điểm chính của IBIS đó là tất cả các ống kính bạn sử dụng với nó cũng sẽ có tính năng ổn định hình ảnh và có thể gắn với bất kỳ ống kính nào với chi phí thấp hơn. Nhưng nhược điểm đó là khả năng làm mịn kém hơn ổn định trên ống kính khi chụp với ống kính tiêu cự dài.

Nên chọn ổn định hình ảnh ống kính hay thân máy?

Đương nhiên, việc chọn loại ổn định hình ảnh trong ống kính hay trong thân máy còn tuỳ vào sở thích cá nhân sau khi đã cân nhắc các ưu và nhược điểm của mỗi loại. Bạn nên lưu ý rằng 2 tính năng ổn định này không thể hoạt động đồng thời vì điều này có thể gây ra sự lộn xộn, mất ổn định nhiều hơn. 

Bạn nên có một tùy chọn bật/tắt các hiệu ứng ổn định của máy ảnh hoặc ống kính, tùy theo nhu cầu. Dù vậy, hiện nay trên một số dòng máy cao cấp như Sony, Fujifilm hay Canon, người dùng vẫn có thể sử dụng cả hai tính năng này cùng lúc. 

anh ff canon

Khi nào nên tắt tính năng ổn định hình ảnh?

Nếu máy ảnh đặt trên chân máy mà bạn không tắt tính năng ổn định hình ảnh, có thể xuất hiện việc tạo vòng phản hồi. Tức là khi đó, hệ thống ổn định hình ảnh của máy ảnh sẽ phát hiện ra độ rung của chính nó và bắt đầu di chuyển xung quanh, bất chấp việc cả khi máy ảnh đang ở trạng thái tĩnh. Việc này dễ dẫn đến kết quả là các đối tượng được chụp bị rung lắc và mờ nhòe.

Có điều,với cách chụp lia máy, hiện nay có nhiều hệ thống máy ảnh trang bị các chế độ chuyên biệt cho thao tác này. Lúc đó với những kiểu chụp theo dạng đối tượng chuyển động liên tục từ vị trí này sang vị trí khác, người chụp nên kết hợp sử dụng tính năng ổn định hình ảnh. 

odha tat

Tuy nhiên vẫn có những ống kính bản cũ không có sẵn chế độ chuyên biệt cho chụp lia máy này hoặc có thể hoạt động không ổn định khi lia máy. Điều này thường dẫn đến hiện tượng mờ nhòe nhiều hơn. Trong trường hợp này, bạn cần tắt tính năng ổn định hình ảnh đi.

Ngoài ra, tính năng ổn định hình ảnh cũng tốn pin kha khá do hoạt động liên tục, vì nó vốn được khiển bằng điện tử. Ống kính càng dài, cảm biến càng lớn thì pin tốn càng nhiều.Vậy nên khi bạn đã đặt máy ảnh lên chân máy hoặc cầm tay với bối cảnh có tốc độ màn trập đủ nhanh, bạn cũng nên tranh thủ tắt tính năng ổn định hình ảnh đi.

Nguồn tham khảo: VJ Shop, binhminhdigital, tinhte.vn

Leave a Comment