Đây là 5 điều mà mình nghĩ chia sẻ dễ dàng bằng văn bản chứ không phải giải thích quá nhiều như những yếu tố khác được chia sẻ trong lớp học. Và 5 điều này cũng không phải là những chiêu trò căn bản để posing cho CD-CR. Đây là những bản chất nghiêng về tâm lý nhiều hơn.
Và trong 5 lời khuyên này sẽ có những lời khuyên có vẻ trái ngược nhau hoặc mâu thuẫn nhau. Điều đó cũng dễ hiểu vì bản chất mỗi sự kiện mỗi khác, mỗi đối tượng chụp mỗi khác nên sẽ không bao giờ có một công thức nhất định để thực hiện một cách máy móc. Chỉ với sự trải nghiệm và một kiến thức xã hội đủ dầy thì bạn mới thực sự có được được điều mình muốn trong một không gian và thời gian nhất định nào đó. Ok bây giờ thì bắt đầu
1. Cho Họ Ý Thức Được Sự Hiện Diện Của Bạn.
Bạn đi chụp 1 phóng sự cưới, bạn thấy nhân vật này hay và lạ, nhưng bạn ngại tiếp cận vì họ chưa biết bạn là ai, bạn chưa biết họ là ai.
Bạn thấy người nhà Cô Dâu đang thay quần áo và giỡn hớt cười nói trong phòng riêng hoặc thậm chí trong toilet, bạn biết có nhiều khoảnh khắc vui nhộn nhưng bạn ngại không dám vào vì bạn mới đến và chưa biết họ là ai , họ cũng chả biết bạn là ai và có thể bạn vào họ cũng chả còn tự nhiên như trước được nữa.
Cô Đâu Chú Rể đang làm Lễ bạn tiến tới chĩa máy vào phụ dâu hay người nhà CD_CR thì họ lập tức sửa dáng , hoặc quay qua nhe răng cười với ống kính của bạn trong khi đó là những cái bạn không muốn, bạn muốn họ tự nhiên trước ống kính. Bạn muốn tàng hình trước mặt họ như một Ninja mà mình và nhiều nhiếp ảnh gia trên thế giới thường hay ví dụ vui.
Những điều đó khắc phục rất đơn giản: Chính là cho họ ý thức được sự có mặt của bạn. Bạn hãy đến sớm ít nhất nữa tiếng. Khoan chụp vội. Hãy đeo máy ảnh và đi chào hỏi từng người và giới thiệu về bạn. Chẳng hạn như “Chào cô ! cô là chị hay là dì của Cô Dâu. Chào bác , bác là gì của của Chú rễ, Chào anh anh là bạn CDCR hay anh em . Bạn giới thiệu Em/Con/ Cháu là người chụp cưới hôm nay cho …v.v..v Hãy hỏi thăm thêm vài câu xã giao để họ ý thức được sự hiện diện của bạn. Chỉ khi họ ý thức và quen với sự hiện diện của bạn thì họ sẽ bỏ lơ bạn trong những lúc cảm xúc và moment xuất hiện. Khi cảm xúc và moment xuất hiện , sự hiện diện của bạn và cái máy ảnh không còn làm họ ngại ngùng mà họ sẽ phớt lờ theo kiểu: À, nó là thằng chụp hình, mình biết nó rồi, biết tên nó rồi, nãy nó nói chuyện với mình rồi, thằng này đẹp trai vui tính , kệ nó đi, nó chụp hình mà …… Kiểu vậy.
Điều này không chỉ giúp đối tượng mà bạn chụp tự nhiên hơn, mà điều này còn giúp cho chính bản thân bạn tự tin hơn. Bạn dám chui vào toilet khi họ đang thay đồ, bạn dám chui vào mọi ngóc ngách, bạn dám chụp bất cứ một nhân vật nào trong sự kiện dù người đó bề ngoài quá lạ, quá ngầu hay nhìn rất lạnh lùng.
“mình không cần biết bạn chụp đẹp thế nào, bố cục, ánh sáng, khoảnh khắc thế nào. Nếu bạn ngại không dám chụp những trường hợp khó tiếp cận thì bạn chẳng có gì hết. tất cả mấy cái kỹ thuật cũng chỉ vất đi và bạn chỉ có những tấm ảnh an toàn như bao nhiêu khác đã và đang chụp” Để có thể có nắm bắt được những cảm xúc và góc chụp độc đáo mới lạ và không ngại ngùng thì việc cho họ ý thức được sự hiện diện của bạn là điều đơn giản dễ làm nhưng thực sự hiệu quả. Hãy cho họ ý thức về sự hiện diện của bạn, điều đó sẽ giúp bạn tàng hình trong lúc chụp sau này. Nghe mâu thuẫn nhỉ :))))
2. Tránh Eye-Contact Giữa Người Chụp Và Đối Tượng
Khi chụp phóng sự cưới, nhiều bạn thường có xu hướng chụp xong vài tấm là nhìn vào màn hình xem đúng sáng hay chưa , đúng màu hay chưa. Đây là thói quen cần loại bỏ càng sớm càng tốt.
Cái máy ảnh hãy luôn luôn dính chắt trên mặt bạn. Cái máy ảnh chính là một bức tường ngăn cách ánh mắt của bạn và đối tượng chạm nhau . Vì điều đó ảnh hưởng đến cái nhịp điệu tự nhiện của đối tượng. Hãy tưởng tượng họ đang nhãy nhót , cụng ly , họ đang chăm chú nhìn CDCR làm lễ thật cảm động. Sau khi chụp xong nếu bạn bỏ máy ra khỏi mặt cuối xuống nhìn màn hình, sau đó ngước lên thì đối tượng thấy cái bản mặt của bạn, ánh mắt họ chạm với bạn, tiếng set ái tình bắt đầu … À không :))) Khi ánh mắt họ chạm ánh mắt bạn, họ sẽ bị mất đi sự tự nhiên, họ sẽ sửa dáng hoặc cười xã giao với bạn. Bạn đang cắt cái nhiẹp điệu tự nhiên của sự kiện. Hãy để lại cấu giấu ấn trong lòng họ ….. ý lộn cái giấu ấn trong đầu họ rằng bạn chỉ là 1 cái máy ảnh lúc tiến lúc lùi, vì họ đã biết bạn là ai và bạn đang làm gì rồi ( như ở yếu tố số 1 ở trên ). Đừng để họ phải dừng lại để tương tác “thảo mai” với bạn trong lúc bạn muốn họ tự nhiên nhất có thể.
Một số trường hợp mình đi chụp streetlife ở trong chợ. Dù cái máy Ricoh GR2 của mình ko có viewfinder kê con mắt vào nhưng mình vẫn hay kê máy lên mặt đi vài vòng rồi bấm. mình muốn họ quen với hình ảnh đó rồi sau đó mặc kệ mình làm gì làm. mình không muốn họ phân tâm vì gương mặt đẹp trai của mình ( cười nham nhở hehehe ) :)))))
3. Những Trường Hợp Tránh Tương Tác Với Đối Tượng
Cái này tuỳ đối tượng mà thể hiện. Ví dụ có lần mình chụp Getting Ready – Cô Dâu Trang trang điểm. Trong một không gian nhỏ có Cô Dâu _ Chú rễ và 2 đứa con nít người nước ngoài. Mỗi khi mình đưa máy về chúng thì chúng lập tức tương tác lại và hỏi và thắc mắc đủ thứ. Chẳng hạn như :Sao mày tao hoài vậy? Bộ tao đẹp hả .v.v.v Con nít mà, hỏi đủ thứ trên trời dưới đất. Hỏi xong nó lại tao dáng, lại diễn này nọ. Mà không phải chỉ hai đứa con nít, kể cả Cô Dâu Chú Rễ cũng hay hỏi này hỏi nọ đủ thứ . Khi 2 đứa nhỏ hỏi câu thứ nhất . mình không trả lời, hỏi câu thứ 2 .mình không trả lời. Hỏi câu thứ 3. mình không trả lời. Lúc đó nó mặc lệ mình luôn. Lúc đó mình như vô hình trước mặt mọi người. mình chỉ lẳng lặng quan sát và chụp. Lúc mình áp sát họ cũng chả quan tâm. Vì mình đã làm cho họ ý thức được rằng mình không muốn tương tác với họ. mình chỉ muốn bắt những khoảnh khắc và ghi nhận lại những diễn biến tự nhiên của họ trước mặt mình . Họ không quan tâm về sự xuất hiện của mình nữa thì họ cũng chả quan tâm về cái máy ảnh của mình đang chĩa vào đâu đang chụp cái gì.
4. Yếu Tố Tâm Lý
Khi đi chụp Pre-Wedding ngoại cảnh. Những lúc mình muốn họ tự nhiên nhất nhẹ nhàng nhất mình lại tạo cho họ một không gian riêng. Hãy tưởng tượng như vầy. Nếu bạn muốn họ tự nhiên và nhẹ nhàng mà khi bạn chụp còn miệng thì la bài bải lên : “Đúng rồi em, Tự nhiên lên em, Cô Dâu ôm chú rễ đi, hôn chú rễ đi, cười lền đi , Đúng rồi , tốt lắm, tốt lắm …. ” Lúc cái miệng bạn ” điều khiển” CD-CR thì đó cũng là lúc bạn tạo một áp lực vô hình lên CD-CR. Họ ôm nhau hay hôn nhau mà trong đầu toàn nghĩ : Hôn như vầy có đúng ý ổng không. Ôm như vầy có tự nhiên không , nắm tay như vầy lên hình có đẹp không ? ” . Và bạn thực sự nghĩ rằng những tấm ảnh bạn chụp nó tự nhiên , nó đúng cảm xúc của CDCR. Ok có thể nó đẹp nhưng bạn có thấy nó giống bao nhiêu ảnh bạn từng chụp. Nó có thực sự khác biệt so với hình ảnh của các cặp khác bạn chụp hay của các photographer khác chụp. Nó có tạo được cái riêng của chính chủ thể của bạn ? Nếu bạn muốn họ thả lỏng, bạn muốn họ tự nhiên, muốn họ nhẹ nhàng thì Chính Bạn phải là người nhẹ nhàng nhất. Chính bạn phải tạo cho họ không gian để họ được lắng động và thể hiện cảm xúc với nhau. Chính CD-CR phải thực sự thấy tự nhiên và thoải mái trước ống kính của bạn. CD-CR phải bở lơ cái máy ảnh của bạn và chính bạn. Bạn gấp gáp về thời gian? Bạn nôn nóng muốn có tấm hình đúng chuẫn theo ý nghĩ trong đầu bạn. Bạn hãy áp dụng những gì mà trong lớp mình nói bố cục về tiêu cự để thể hiện chuyện đó thay vì điều khiển CD-CR.
Bản thân mình luôn ý thức được các khuyết điểm của mình khi đối diện với CDCR lúc chụp chụp phóng sự. Ví dụ như giọng nói của mình nghe rất hổ báo, người nghe cảm thấy căng thẳng hay mệt khi nghe giọng nói của mình. Ý thúc được chuyện đó mình cố hạ thấp giọng để giọng nói mình nghe nhẹ nhàng hơn. mình có khuyết điểm hay ra mồ hôi, vẻ mặt hay nhăn khi kê máy lên mặt. Ý thức được điều này mình luôn cố giữ mình có tác phong thanh thản nhất khi chụp, và trên môi luôn có nụ cười thật ấm áp hehehehe tất cả những điều này cũng chỉ cho đối tượng đứng trước ống kính của mình cảm thấy nhẹ nhàng và thoải mái nhất có thể.
Nói như vậy không có nghĩa mình không tạo dáng , không điều khiển Cô Dâu Chú Rễ. Việc điều khiển hay không điều khiển không quan trọng bằng việc bạn muốn thể hiện điều gì trên ảnh. Nó tuỳ thuộc vào nhu cầu của bạn, nhu cầu của Cô Dâu Chú Rễ và cá tính riêng cảm họ. Trước một không gian đẹp ai Cô Dâu Chú Rễ nào cũng muốn có những tấm ảnh lãng mạn hôn nhau . Đó là nhu cầu chính đáng và hợp lý của họ. Đó cũng là lý do họ thuê bạn chụp ảnh. Nếu bạn muốn họ hôn , muốn họ chạy, muốn họ cười, muốn họ “tăng động” thì chính bạn phải tăng động trước. Bạn không thể bắt họ cười trong khi mặt bạn thì đang khóc đúng không. :)) Bạn cũng không thể bắt họ đằm thắm dịu dàng trong khi chính bạn đang hấp tấp.
Bạn hãy nhìn một đạo diễn hàng đầu thế giới điều khiển cảm xúc của diễn viên trong một set film để thấy được rằng cảm xúc của diễn viên chính là tấm gương phản chiếu cảm xúc của người đạo diễn. Dù đó là một đạo diễn hình ảnh đang phỏng vấn nhân vật trong một film tài liệu nào đó cũng vậy. Người đạo diễn đủ kinh nghiệm sẽ biết lúc nào ngồi với khoảng cách đủ xa để diễn viên cảm nhận được tự do thoải mái thể hiện cảm xúc, biết lúc nào ngồi đủ gần để người được phỏng vấn có sự tập trung. Biết lúc nào kê sát mặt mình vào mặt họ để hỏi, để gây một áp lực tâm lý lên chính nhân vật trước ống kính nhằm tạo kịch tính trong cảm xúc. Biết lúc nào nên cười để giải toả căng thẳng, biết lúc nào nên tắt đèn bật nhạc, biết lúc nào nên thúc giục hoặc tấn công dồn dập đối tượng bằng lời nói. Để có được kỹ năng này, bạn cần có một trải nghiệm sống nhất định, một kiến thức xã hội nhất định. Không ai có thể cho bạn 1 công thức để có thể áp dụng vào tất cả các đối tượng khách hàng mà bạn chụp. Vì họ luôn luôn khác nhau. Có có cái riêng của chính họ.
Tóm lại . Thay vì bắt họ thể hiện cảm xúc như bạn muốn. Đừng yêu cầu họ thể hiện biểu cảm thế này thế nọ. Cô Dâu Chú Rễ của bạn không phải diễn viên. Bạn hãy cho họ một mục đích , một hành động , một lời nói, một không gian có thể dẫn đến cảm xúc đó thay vì yêu cầu họ thể hiện cảm chung chung và mơ hồ đối với chính họ. Các lời nói, hành động, không gian để dẫn đến cảm xúc trong lớp mình phân tích rất nhiều và không muốn viết ra đây vì có cách tiếp cận mình gọi là chiêu trò, cũng có cách tiếp cận tinh tế lịch sự, khai thác đúng tính cách nhân vật. Nên lựa chọn cách nào đó là việc của bạn. Là cái nhìn cá nhân của bạn trước những đối tượng đang muốn thể hiện tình cảm trong hình cưới.
5. Bỏ Qua Cái Máy Ảnh
Khi chụp Pre-Wedding, cái máy ảnh chỉ là một thứ dùng để ghi nhận lại cảm xúc, ghi nhận lại những gì bạn thấy , bạn cảm nhận và bạn muốn thể hiện. Đừng để cái máy ảnh trở thành một yếu tố quan trọng, một tố gây ” chướng tai gai mắt” trong mắt Cô Dâu – Chú Rễ hay chính bạn.
Nếu bạn muốn chủ thể cười thì có nghĩa là họ “Đang thực sự cười với nhau. Không phải đang cười trước máy ảnh”. Nếu bạn muốn Cô Dâu Chú Rễ nhìn nhau thì có nghĩa là : “Họ thực sự nhìn nhau chứ không phải nhìn nhau trước máy ảnh” . Họ hôn nhau thì có nghĩa là “Họ đang hôn nhau chứ không phải hôn nhau trước máy ảnh”. Họ nhìn xa xăm là : “Họ đang thật sự nhìn xa xăm và suy nghĩ và cảm nhận chứ không phải họ đang diễn trước ống kính”
Đôi lúc bạn muốn họ nhìn vào máy ảnh và cười thì cũng đừng nói là ” Hãy nhìn vào ống kính nè em , nhìn máy nè em “…. Nghe cái từ “máy” hay “ống kính” đó thật sự chướng tai gai mắt. Vì những từ đó chỉ làm họ liên tưởng tới việc sẽ phải diễn xuất thế nào. Hãy để họ cười với bạn, nhìn vào bạn, tương tác với bạn chứ không phải là cái máy ảnh.
Hãy để cái máy ảnh ảnh của bạn là thứ tỏ ra ít quan trọng trong không khí một buổi chụp cưới. Từ cách bạn tương tác với Cô Dâu Chú Rễ cho đến việc bạn trang trí cho cái máy quá màu mè. mình thường thấy nhiều bạn gắn bao màu vàng màu đỏ lên máy ảnh , nhìn nó quá nổi bật. mình tự hỏi Cô Dâu Chú Rễ có bị chi phối bởi cái màu sắc đó hay không. Điều đó có làm họ mất tự nhiên đi hay không. Điều đó các bạn tự trả lời hehehe
Kết Luận:
Như đã nói ở phần mở đầu. Đây chỉ là 5 trong vô vàng yếu tố hay phương pháp mình áp dụng trong hình cưới. mình chọn chia sẽ những điều này mang tính chất tâm lý và bản chất nhiều hơn mà không phải những công thức quá cơ bản, những yếu tố mang tính chiêu trò để các bạn học viên tập trung vào những gì có thể giúp bạn đi xa hơn sau này, đi theo đúng cách nhìn nhận của chính bạn chứ không phải là của ai khác. Các công thức chiêu trò không phải không có hiệu quả. Nó thậm chí hiệu quả tức thời. Nhưng bạn chỉ sữ dụng được nó trong một thời gian rất ngắn. Khi nhận thức của bạn vượt qua điều đó, khi thị trường ai cũng chụp như bạn, thì bạn phải kiếm một chiêu trò khác, một công thức khác. Còn khi bạn tìm hiểu về bản chất của vấn đề, tìm hiểu về chính suy nghĩ của mình thì bạn sẽ luôn biết mình nên đi theo hướng nào và phải làm sao để đạt được. Bạn cũng sẽ nhân ra khuyết điểm của mình để khắc phục từng bước để giúp mình hoàn thiện hơn trong việc chụp ảnh.
Nguồn: Bow101.com
Những chia sẻ tuyệt vời !!!
Người đạo diễn đủ kinh nghiệm sẽ biết lúc nào ngồi với khoảng cách đủ xa để diễn viên cảm nhận được tự do thoải mái thể hiện cảm xúc, biết lúc nào ngồi đủ gần để người được phỏng vấn có sự tập trung. Biết lúc nào kê sát mặt mình vào mặt họ để hỏi, để gây một áp lực tâm lý lên chính nhân vật trước ống kính nhằm tạo kịch tính trong cảm xúc. Biết lúc nào nên cười để giải toả căng thẳng, biết lúc nào nên tắt đèn bật nhạc, biết lúc nào nên thúc giục hoặc tấn công dồn dập đối tượng bằng lời nói. Để có được kỹ năng này, bạn cần có một trải nghiệm sống nhất định, một kiến thức xã hội nhất định. Không ai có thể cho bạn 1 công thức để có thể áp dụng vào tất cả các đối tượng khách hàng mà bạn chụp…