VỊ TRÍ VÀ GÓC CHỤP
Vị trí và góc chụp là hai yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả của ảnh. Vì chúng có tác động đáng kể, việc thay đổi chúng đảm bảo rằng bạn sẽ có thể có được một hiệu ứng khác trong ảnh. Kết hợp với bố cục phù hợp, chắc chắn bức ảnh của bạn sẽ không thể nào ” Thường ” được nữa.
Qua gần 150 năm lịch sử, các nhà quay phim đã tìm tòi và sáng tạo ra rất nhiều các kỹ thuật quay trong quá trình làm phim. Học hỏi từ những kỹ thuật đó và áp dụng vào nhiếp ảnh là phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất. Mình xin giới thiệu đến các bạn những vị trí và góc chụp được rút ra từ các góc quay trong các tác phẩm điện ảnh. Đây đều là những góc được sử dụng nhiều và chắc không ít bạn sẽ thấy quen quen khi hóa ra phim chiếu rạp cũng đầy những những góc ảnh thế này
PHẦN 1 : VỊ TRÍ CHỤP
Cơ bản vị trí là chiều cao mà tại đó bạn cầm máy ảnh so với mặt đất. Cầm máy ảnh ở vị trí bình thường so với mắt bạn được gọi là ‘vị trí tầm mắt’. Cầm máy ảnh ở vị trí cao hơn mắt bạn được gọi là ‘vị trí cao’, và cầm máy ở tầm thấp, chẳng hạn như khi bạn ngồi xổm, được gọi ‘vị trí thấp’.
1.Vị trí cao
Cầm máy ảnh ở vị trí cao bằng cách nâng cánh tay cao hơn tầm mắt, hoặc lên một vị trí cao hơn bằng cách sử dụng ghế để chân hoặc sàn quan sát. Bất kỳ vị trí nào cao hơn tầm mắt của bạn đều được gọi là vị trí cao. Vị trí chụp này cho phép bạn chụp sâu hơn ở hậu cảnh. Kết hợp cách này với góc cao sẽ tạo ra một phối cảnh mạnh mẽ.
2.Vị trí tầm mắt
Vị trí tầm mắt là vị trí chụp tiêu chuẩn ở độ cao tại đó bạn nhìn qua khung ngắm khi đứng. Vì nó dẫn trực tiếp đến ảnh chỉ chụp lại những gì bạn có thể thấy, nó thể hiện thực tế nhất những gì bạn chụp. Tuy nhiên, nó có thể đơn điệu khi tất cả ảnh của bạn được chụp từ vị trí này.
3.Vị trí thấp
Đây là vị trí ở đó bạn cầm máy ảnh ở dưới tầm mắt, thường là dưới đầu gối . Vì nó chụp lại một cái nhìn khác so với những gì bạn thường thấy. Nó có thể tạo ra cái nhìn dẫn đến ảnh có ấn tượng. Kết hợp cách này với một góc thấp sẽ khuếch đại hiệu ứng này.
Khi chụp, trước hết bạn hãy quan sát kỹ đối tượng của bạn trước khi quyết định nên chụp từ vị trí nào. Tiếp theo, nghĩ đến góc chụp. Việc thay đổi đáng kể vị trí và góc chụp sẽ mang lại cho bạn những bố cục khác với bố cục trước đây bạn có thể có. Để làm nổi bật những phẩm chất hấp dẫn nhất của đối tượng, bạn sẽ cần phải tiếp cận đối tượng từ những điểm quan sát khác nhau và thay đổi vị trí và góc chụp.
PHẦN 2 : GÓC CHỤP
Nếu vị trí là nơi đặt máy ảnh của người chụp thì góc chụp là góc của chủ thể mà bạn muốn thể hiện trong ảnh. Có khá nhiều góc chụp ở thời điểm hiện tại, nhưng bao quát và phổ biến nhất đó là 3 góc chụp cơ bản: gốc trung cảnh, góc cận cảnh và góc toàn cảnh. Tùy vào mục đích mà các bạn sẽ chọn ra những vị trí và liên kết với những góc chụp khác nhau. Mỗi góc chụp đều có những mục đích riêng, kết hợp với bố cục sẽ làm mục đích của bạn được thể hiện rõ ràng hơn
1. Góc Trung Cảnh (The Medium Shot)
Bắt đầu với một trong những khung ảnh hay gặp nhất. Chủ thể được chụp từ khoảng đầu gối hay eo đến đỉnh đầu. Khung ảnh được chụp bao gồm một phần hậu cảnh và chủ thể của chúng ta, đủ để người xem có được một cảm nhận ban đầu về nhân vật trong bức ảnh.
Ở bức hình này tác giả đã sử dụng góc trung cảnh tác phẩm, nó được chụp từ ngang ngực đến đầu chủ chủ thể, kết hợp với hậu cảnh phía sau diễn đạt cho người xem cái nhìn khái quát về chủ thể. Không quá đi sâu vào 1 câu chuyện nào đó. Nó giống như mở bài của 1 bài văn.
2. Góc Cận cảnh (The Close-up)
Như tên gọi của góc chụp này, góc cận cảnh thể hiện cận cảnh chủ thể hay còn gọi là chụp close-up. Chủ thể sẽ chiếm trọn khung hình để diễn tả được những chi tiết, đường nét và cảm xúc. Thông qua đó tác giả có thể kể cho người xem những cảm xúc thật mạnh mẽ. Bố cục thường kết hợp với góc chụp này đó là bố cục lấp đầy khung hình và bố cục trung tâm. Đôi khi có thể là bố cục 1/3 khi kết hợp việc đặt mắt của chủ thể tại điểm vàng.
Bức hình này tả 1 cô gái cùng 1 điếu thuốc trên tay. Tác giả đã dùng bố cục lấp đầy khung hình kết hợp với góc chụp cận cảnh. Nếu quan sát kỹ ta cũng sẽ thấy bố cục 1/3 được áp dụng tại đôi môi của cô gái. Một cô gái, 1 điếu thuốc và 1 bờ môi quyến rũ, các bạn đã hiểu cô ấy muốn gì chưa?
3. Toàn Cảnh (The Long Shot)
Đây là một lựa chọn góc chụp hoàn hảo khi bạn muốn kể câu chuyện của riêng bạn. Ảnh chụp xa toàn cảnh cho phép người xem thấy cả chủ thể và không gian xung quanh nhân vật trong ảnh. Người xem có thể cảm nhận được một phần cuộc sống của nhân vật dựa vào việc xem xét bố cục của bức ảnh. Đây là góc chụp mà nhiếp ảnh đường phố khá ưa thích, vì nó kể chuyện rất tuyệt vời.
Mình cực thích bức hình này nên đưa nó làm ví dụ cho góc chụp toàn cảnh này luôn. Các bạn có thể thấy câu chuyện mà bức hình mang lại, với tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh đầy đủ. 1 cô gái bên trong 1 chuyến xe bus đang mang khẩu trang, bao tay. Những nhân vật bên cạnh cũng thế . Cô gái ấy đang ở đang đối mặt với đại dịch Covid chăng? Trông cô ấy có vẻ lo lắng và âu lo. Đó là cái hay của góc toành cảnh, 1 trong chuyện bên trong 1 bức hình. Có người bảo: ” ảnh đường phố là bức ảnh mà ta ngửi được cả mùi của nó” . Trong ảnh này mình ngửi được sự bí bách bên trong chuyến xe, cả mùi của nước sát khuẩn, mùi của sự lo âu…
Trên đây là những vị trí và góc chụp luôn xuất hiện trong mọi bức ảnh. Việc hiểu về nó sẽ giúp ảnh chọn được cách tiếp cận phù hợp nhất với chủ thể. Kết hợp với bố cục phù hợp, bức ảnh của bạn sẽ đẹp và có chiều sâu hơn rất nhiều. Cảm ơn mọi người đã theo dõi bài viết. Hẹn các bạn trong những bài viết về nhiếp ảnh tiếp theo.
Bài viết được tham khảo bởi 50mm, snapshot, Kazuo Nakahara và những cảm nhận cá nhân.
Nguồn ảnh : snapshot, pexel.