Trong nhiếp ảnh ẩm thực, để nói về cách chụp thì không thiếu cách để có thể tạo ra những bức ảnh chuyên nghiệp, chất lượng và siêu hút mắt. Nhất là với “dân lành nghề”. Tuy nhiên đối với những ai còn mới trong lĩnh vực này thì dưới đây là một số tips và điểm cơ bản cần hiểu để có thể học cách chụp ảnh ẩm thực hiệu quả.
Đây không phải là tất cả những gì cần có để tạo ra được 1 bức ảnh về nhiếp ảnh ẩm thực thật tuyệt vời, vì điều đó còn tùy thuộc vào phẩm chất và kỹ năng của nhiếp ảnh gia. Nhưng đây vẫn sẽ là những thông tin hữu ích với người vừa “chập chững” bước vào lĩnh vực này.
Chọn thiết bị phù hợp
Khâu chọn thiết bị chụp ảnh là phần quan trọng trong nhiếp ảnh ẩm thực. Những thiết bị như loại máy ảnh, đèn flash, ống kính máy ảnh, chân máy,… đều phải phù hợp với concept chụp ảnh và nhu cầu chụp của nhiếp ảnh gia. Trong nhiếp ảnh ẩm thực, người chụp nên chọn máy ảnh có độ phân giải cao như ống kính có tiêu cự từ 50mm đến 100mm để có được ảnh chất lượng, vì nó phù hợp khi chụp ảnh cận cảnh.
Còn đèn flash cũng giúp hỗ trợ độ sáng cho bức ảnh trong trường hợp ánh sáng tự nhiên không đủ hoặc do nhu cầu của người chụp. Vì đèn flash cho phép kiểm soát và thay đổi độ sáng, độ tương phản hay màu sắc, giúp bức ảnh đạt được chất lượng ánh sáng tốt hơn. Bên cạnh đó, sử dụng chân máy ảnh giúp đảm bảo sự ổn định khi chụp, tránh ảnh bị mờ nhoè do rung lắc.
Chọn địa điểm chụp
Trong nhiếp ảnh ẩm thực, việc chọn nơi chụp là điều rất quan trọng nếu muốn có những bức ảnh đẹp, chất lượng và mang chất riêng. Nó phải phù hợp với ý tưởng chụp cũng như những kế hoạch đã đề ra. Muốn có những bức ảnh đẹp, điều đầu tiên cần đó là chọn đúng nơi để chụp.
Nếu muốn chọn nơi chụp phù hợp, đầu tiên bạn phải cần xác định mục đích, concept chụp và những ý tưởng ban đầu để tạo ra không gian chụp trong bức ảnh. Ví dụ như bạn muốn chụp ảnh món ăn theo thiên hướng daily và lifestyle, bạn có thể chọn một không gian có ánh sáng tự nhiên, có background đơn giản và đem lại cảm giác ấm áp và gần gũi để chụp.
Mẹo chọn góc chụp trong nhiếp ảnh ẩm thực
Góc chụp từ trên xuống
“Top down” – chụp từ trên xuống được xem là một trong những góc chụp phổ biến trong nhiếp ảnh ẩm thực. Khi ứng dụng góc chụp này, bạn nên đặt máy ở góc cao hơn so với chủ thể bức ảnh. Với hướng chụp từ phía trên xuống, nhiếp ảnh gia có thể thu về một bức ảnh với khung hình bao quát đủ các món ăn cũng như cách bày trí của bàn đồ ăn.
Bên cạnh đó, góc chụp từ trên xuống cũng cho phép thấy được các chi tiết nhỏ hơn trong ảnh, tạo ra sự cân bằng và đối xứng. Khi bức ảnh được chụp từ trên xuống, người xem có thể cảm nhận được sự tương tác giữa các thành phần trong món ăn một cách rõ ràng hơn và kéo được sự thu hút của mắt người nhìn. Đương nhiên việc lên ý tưởng sắp xếp bố cục cho các món ăn cũng khá quan trọng.
Góc chụp 3/4
Để nói theo cách dễ hiểu, góc chụp 3/4 là đặt máy ảnh ở một vị trí nghiêng so với chủ thể của bức ảnh, qua đó tạo ra một góc nhìn nằm giữa góc chụp ngang và góc chụp từ trên xuống. Nó sẽ đem đến một bức ảnh với góc nhìn khác lạ, độc đáo và hút mắt, tạo ra cảm giác sâu sắc và tinh tế về món ăn. Có điều nếu muốn có ảnh đẹp từ góc chụp này, bản thân người chụp cũng phải có kỹ năng điều chỉnh góc chụp sao cho phù hợp với món ăn và tạo ra sự cân bằng trong bức ảnh.
Góc chụp ngang
Khi chụp ảnh về ẩm thực, góc chụp ngang thường được áp dụng khi người chụp muốn thể hiện món ăn thật chi tiết và rõ nét, từ kết cấu, thành phần cho đến màu sắc. Mặt khác góc chụp ngang cũng đem đến cảm nhận chân thực cho người xem khi nhìn vào món ăn, khiến cho họ có cảm giác như thể đang nhìn trực tiếp vào nó mà không bị ngăn cách qua lớp ảnh.
Chụp ngang sẽ giúp ích nhiều cho việc tăng độ chân thực cho ảnh vì góc chụp ngang thường nhấn mạnh độ tập trung và đánh vào chi tiết hơn, tạo hiệu ứng thị giác mạnh mẽ hơn.
Góc chụp chéo
Trong số những góc chụp thường dùng trong nhiếp ảnh ẩm thực thì góc chụp chéo ít phổ biến hơn và cũng cần kỹ thuật cao hơn. Đây là góc chụp khá độc đáo và mang tính nghệ thuật. Nó đem đến sự khác biệt trong cách nhìn, cũng như tăng chiều sâu cho bức ảnh. Điều quan trọng đó là bạn cần biết tìm ra và tận dụng ưu điểm để mang lại hiệu quả vượt trội.
Tuy nhiên nếu không biết cách chụp đúng, góc chụp chéo có thể khiến cho bức ảnh trở nên mất tự nhiên và hơi khó nhìn. Vậy nên bạn cần xem xét, nghiên cứu và chọn góc chụp sao cho phù hợp để tạo ra bức ảnh đẹp, thể hiện được phần cuốn hút của món ăn.
Mẹo chọn bố cục
Bố cục hình tròn
Bố cục hình tròn là dạng bố cục phổ biến nhất trong nhiếp ảnh ẩm thực. Bạn có thể thấy kiểu bố cục này trong nhiều bức ảnh về ẩm thực. Có thể hiểu đây là kiểu sắp xếp các món ăn đặt ở chính giữa khung hình theo hình tròn. Có thể đặt món ăn ở vị trí đối xứng nhau hoặc cũng có thể đặt ngẫu nhiên để tạo ra đúng set hình. Bên cạnh đó, bạn nên đảm bảo các món ăn được bố trí hài hoà, cân đối, nhìn tự nhiên và đừng quá cứng nhắc.
Bố cục Zic Zac
Bố cục hình Zic zac giúp tạo ra những hiệu ứng gấp khúc độc đáo và hút mắt trên ảnh. Nếu bạn muốn thử thách với một bố cục khác biệt, nên thử cân nhắc đến bố cục này. Có điều bạn cần lưu ý đến việc tạo ra các đường gấp khúc mượt mà và không bị cứng nhắc. Nếu không dùng đúng cách, kỹ thuật này có thể làm cho bức ảnh trở nên rối và khó nhìn, thậm chí có thể làm mất đi sự hài hòa của bức ảnh.
Bố cục tam giác
Trong bố cục hình tam giác, các món ăn cần được đặt theo ba góc của tam giác, mỗi góc sẽ tương ứng với một nhóm món ăn. Chẳng hạn như bạn có thể phân chia các góc chứa món ăn phù hợp, như góc trên của hình tam giác chứa món chính, góc phải chứa món tráng miệng, góc trái chứa các món ăn phụ. Sắp xếp theo kiểu này sẽ giúp tạo ra tổng thể đẹp mắt và cân đối.
Mẹo chọn background
Background tự nhiên
Dạng background tự nhiên thường ít được lựa chọn vì nó tốn khá nhiều thời gian và cũng đi kèm nhiều sự phức tạp cho quá trình tác nghiệp. Tuy nhiên nếu trong những trường hợp đặc thù như concept bạn chụp định hướng cần dạng background thiên nhiên như vậy, thì việc dùng những kiểu background như vườn, thảm cỏ, cây rừng, bãi biển, hay bất kỳ một không gian tự nhiên nào xung quanh bạn…cũng là lựa chọn thú vị làm tăng tính chân thật và gần gũi.
Background đơn giản
Đây là kiểu phông nền được sử dụng khá phổ biến trong nhiếp ảnh ẩm thực nhờ khả năng tối ưu hóa sự nổi bật vào chủ thể là các món ăn. Một background đơn giản là sử dụng các màu đơn sắc, giúp thu hút toàn bộ sự tập trung vào món ăn và tạo ra một bức ảnh đơn giản nhưng đủ đẹp. Mặt khác thì kiểu background này cũng được xem là lựa chọn an toàn và dễ ứng dụng dành cho những người có kinh nghiệm hay không có thời gian cho việc chọn phông nền chụp ảnh ẩm thực.
Background theo concept
Nếu đã có sẵn ý tưởng và concept chủ đề chụp, bạn nên chọn background phù hợp với chủ đề ẩm thực mà bạn đã có. Ví dụ như bạn muốn chụp theo concept đi picnic, bạn cần chọn một background hợp chủ đề như chiếc khăn trải trên nền thảm cỏ xanh chẳng hạn. Hay nếu muốn chụp theo concept thiên nhiê, có thể lựa những khung cảnh ngoài tự nhiên như rừng, biển, suối…
Nó sẽ tùy vào cách bạn lên ý tưởng set up và chụp, nhưng lưu ý cũng đừng nên để background chiếm quá nhiều sự nổi bật mà quên đi chủ thể chính là món ăn/sản phẩm.
Ánh sáng
Ánh sáng vẫn luôn là yếu tố quan trọng trong việc tạo nên một bức ảnh chất lượng trong nhiếp ảnh ẩm thực. Người chụp cần kiểm soát ánh sáng tốt nhất và hiệu quả chất để tạo ra bức ảnh đẹp. Nếu bạn chụp ở không gian trong như trong nhà hàng hay quán ăn, nếu có thể thì hãy tận dụng ánh sáng tự nhiên như set up chọn một vị trí gần cửa sổ/ cách khu vực có ánh sáng tự nhiên chiếu vào.
Còn nếu không đủ ánh sáng tự nhiên hay đơn giản bạn có nhu cầu dùng các dạng ánh sáng nhân tạo hơn, bạn cũng có thể sử dụng đèn chụp ảnh hoặc đèn flash để tạo ra ánh sáng phù hợp với bức ảnh đúng mục đích của bạn.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý đến độ sáng và tông màu của ánh sáng. Nếu ánh sáng quá chói, bạn có thể sử dụng màn chắn để giảm bớt độ sáng. Còn trong trường hợp ánh sáng có tông màu xanh hoặc đỏ, bạn có thể dùng bộ lọc để chỉnh tông màu. Hơn hết, đó là người chụp cần dành thời gian để nghiên cứu, điều chỉnh ánh sáng sao cho phù hợp để có được những bức ảnh đẹp cuốn hút.
Nguồn tham khảo: kiotviet, kyma.vn