Đồng bộ chậm đèn flash (Slow Sync Flash) là gì?
Đồng bộ chậm đèn flash (Slow Sync Flash) là một kiểu kỹ thuật chụp với đèn flash. Với kỹ thuật này, khi chụp màn trập sẽ mở ra trong thời gian khá lâu cùng tốc độ chậm, nhằm mục đích tạo ra các hiệu ứng chuyển động đặc biệt và “ảo diệu” cho bức ảnh.
Trong đó, ánh sáng nền là yếu tố tạo ra độ tương phản cao độ với chủ thể và những chuyển động nhanh trong khung hình được ghi lại trong suốt khoảng thời gian phơi sáng sẽ giúp tạo nên các “đường dẫn”, làm cho chủ thể được nhấn mạnh và làm nổi bật.
Bên cạnh đó, bạn cần phân biệt giữa kỹ thuật chụp Slow Sync Flash với phương pháp chụp ảnh chụp flash bình thường. Trong đó cần lưu ý rằng thời gian đồng bộ giữa flash và màn trập không quá dài (trong khoảng 1/25 giây hoặc thấp hơn).
Khi đó những chuyển động hầu như sẽ bị đóng băng. Toàn bộ khung hình sẽ ghi lại đối tượng chính và phông nền trong thời gian ngắn nênhiệu ứng “đường dẫn” gần như không thể được tái hiện như khi dùng kỹ thuật Slow Sync Flash.
Một số máy ảnh (thường là loại DSLR) có hỗ trợ việc điều khiển đồng bộ chậm flash thủ công. Bạn hoàn toàn có thể chỉnh thời gian phơi sáng và độ sáng đèn flash cho phù hợp mục đích sử dụng. Nhiều máy compact chỉ cho phép điều chỉnh khá hạn chế trong chế độ chụp đêm (Night mode) hoặc chụp tiệc tùng (Party mode).
Các chế độ đồng bộ
Rear Curtain Sync (đồng bộ sau)
Đây là chế độ đèn flash bật sáng vào thời điểm cuối của quá trình phơi sáng. Sau khi bấm nút chụp trên thân máy ảnh, màn trập sẽ mở ra trong khoảng thời gian khá lâu để thu vào ánh sáng nền, đồng thời cũng ghi nhận chuyển động. Ở thời điểm sắp kết thúc quá trình này, đèn flash sẽ được kích hoạt để tập trung làm rõ đối tượng chính. Về bản chất, đây là sự kết hợp giữa 2 sự phơi sáng: phơi sáng lâu bằng màn trập và phơi sáng ngắn sử dụng flash.
Front Curtain Sync (đồng bộ trước)
Ngược lại với Rear Curtain Sync, đây là chế độ flash bật sáng ngay thời điểm đầu của quá trình phơi sáng, tức là ngay khi bấm nút chụp. Sau thao tác bấm chụp này, màn trập sẽ mở ra trong thời gian lâu và hoạt động với các tính năng tương tự như Rear Curtain Sync.
Bạn có thể dùng kỹ thuật này khi muốn đèn flash đóng băng các chuyển động nhanh của chủ thể ngay từ đầu. Qua đó, bức ảnh thu được sẽ ghi lại hình ảnh sắc nét của chủ thể và cả chuyển động trong thời gian mở cửa trập.
Cách thiết lập chế độ đồng bộ chậm đèn flash
Nếu bạn đang sở hữu máy ảnh DSLR thì chế độ đồng bộ chậm đèn flash sẽ có sẵn trong menu. Sự thay đổi của việc thiết lập chế độ này trong máy sẽ phụ thuộc vào nhà sản xuất, đôi khi nó có thể bị ẩn trong các chức năng tùy chỉnh. Vì vậy hãy tìm hiểu và kiểm tra hướng dẫn sử dụng chiếc máy của bạn.
Còn với máy ảnh Compact, chế độ đồng bộ chậm đền flash được thể hiện như một chế độ chụp tự động. Nó thường được nhà sản xuất gọi là “chế độ ban đêm/night mode” hoặc “chế độ chụp dạ tiệc/party mode”. Tuy không thể thay đổi tốc độ màn trập hay tùy chọn bắn đèn flash, nhưng bạn vẫn có thể thu về không ít bức ảnh tuyệt vời.
Sử dụng chân máy khi chụp
Đôi lúc chỉ cần một vài rung lắc rất nhẹ như gió thổi hay vật di chuyển nhẹ thôi cũng đã đủ khiến toàn bộ bức ảnh sử dụng kỹ thuật đồng bộ chậm flash bị lỗi mờ nhòe. Khi thời gian phơi sáng rơi vào khoảng ít nhất từ 1 đến 2 giây thì cần phải sử dụng chân máy. Thêm vào đó nếu muốn giảm thiểu những chấn động lúc bấm nút chụp, bạn nên sắm thêm một bộ điều khiển máy ảnh (có thể là dạng không dây hoặc cáp kết nối với máy tính).
Còn nếu bạn không có đủ điều kiện tài chính thì cách xử lý vấn đề phổ biến nhất là đặt máy lên tripod và khởi động chế độ chụp hẹn giờ, sau đó để cho máy tự động hoàn thành các bước chụp còn lại.
Bên cạnh đó trong một số tình huống, việc giữ máy ảnh thủ công bằng tay đôi khi lại tạo ra hiệu ứng rất đặc sắc. Chẳng hạn như nếu bạn đang tham gia một buổi ca nhạc và muốn lưu giữ lại những khoảnh khắc xuất thần của nghệ sĩ biểu diễn, nhưng sẽ khá khó cho bạn nếu muốn sử dụng tripod trong không gian đông người và náo nhiệt.
Khi đó, bạn có thể áp dụng kỹ thuật đồng bộ chậm flash, nó sẽ giúp cho ra những bức ảnh trình diễn đẹp xuất thần với hình ảnh của đối tượng chính được hiện rõ nét và phông nền là ánh đèn sân khấu rực rỡ bị nhòe thành vệt.
Khi nào nên sử dụng đồng bộ chậm đèn flash?
Môi trường ánh sáng yếu
Với những trường hợp phải chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu, ví dụ như cảnh trên đường phố vào ban đêm, thường bạn sẽ đứng trước hai lựa chọn. Một là, bạn có thể dùng đèn flash chiếu sáng trực tiếp vào chủ thể và thu được kết quả là một bức ảnh có phông nền đen, thiếu sáng. Hai là, bạn dùng tốc độ màn trập chậm để có thể “bắt” khung ảnh nền, nhưng khi đó, chủ thể của bạn sẽ bị mờ. Vậy nên cả hai cách này dường như đều không phù hợp.
Nếu sử dụng kỹ thuật đồng bộ chậm đèn flash, bạn có thể tích hợp được những ưu điểm của 2 cách trên. Bởi nó đáp ứng đủ 2 nhu cầu cho bức ảnh của bạn: sử dụng tốc độ màn trập chậm để mô tả chính xác ảnh nền và dùng đèn flash để chủ thể trở nên sắc nét hơn.
Chụp ảnh chuyển động nhanh
Kỹ thuật đồng bộ hóa chậm đèn flash thường khá phù hợp với những mảng chụp ảnh hành động và thể thao. Nó cho phép bạn để nắm bắt các đối tượng chi tiết thật sắc nét, mặt khác vẫn có thêm những hiệu ứng chuyển động mờ trong ảnh chụp.
Nhờ vậy mà tạo cảm giác tốc độ đầy mới lạ và độc đáo cho bức ảnh của bạn. Đương nhiên , những hiệu ứng đầy “ảo diệu” này sẽ khiến bức ảnh trông “nghệ” hơn so với đóng băng hình ảnh với flash bình thường.
Nguồn tham khảo: design.vn, lbm.vn, binhminhdigital