.
.
.

Khám phá sự thú vị của trường phái nhiếp ảnh Lomography

Định nghĩa về Lomography

Lomography là trường phái chụp ảnh nhấn mạnh vào màu sắc cùng với các yếu tố ngẫu nhiên khác như chủ thể, ánh sáng. Đặc biệt, Lomography phá vỡ các quy tắc của nhiếp ảnh truyền thống, tạo ra những bức ảnh độc lạ, ngẫu hứng hơn, tự do hơn và có thể hiểu là “khá” tùy tiện. Hội những người yêu thích trường phái Lomography còn tự đặt cho nó một khẩu hiệu: Let Ourlife be Magic and Open (Hãy để cuộc sống của chúng ta trở nên kỳ diệu và cởi mở).

lom 2

Với quan điểm “don’t think, just shot” (đừng nghĩ, hãy chụp), người chụp có thể sử dụng loại máy ảnh hay ống kính bất kỳ để chụp mà không cần phải quan tâm đến việc bị rập khuôn, bị áp đặt quy tắc chụp nào. Với trường phái này, bạn cũng không cần quá để tâm đến bức ảnh kết quả thu được sau mỗi lần tác nghiệp. Vì bạn sẽ đón chờ những bất ngờ về kết quả chụp ra sao được ở giai đoạn sau khi cuộn phim được rửa, mang đến những đặc trưng mang đậm chất “Lomo”.

Nguồn gốc của Lomography

Lomo (tiếng Nga: ЛОМО) được hiểu là tên của một loại máy xuất hiện vào khoảng giữa thế kỉ XX tại Liên Xô cũ. Đây là loại máy ảnh này có sự nhạy cảm với các màu xanh, đỏ, vàng. Nhưng điều này lại chính là cốt lõi tạo nên phong cách Lomography sau này.

Từ Lomography có nguồn gốc từ 2 sinh viên người Áo. Đây chính là 2 người đã tạo nên cộng đồng yêu thích trường phái chụp Lomography và thay đổi cách nhìn của nhiều người về các phương diện có phần khác biệt trong nhiếp ảnh. Đó là việc bức ảnh không còn nằm ở quy tắc mà còn về mặt cảm xúc khi ghi lại khoảnh khắc.

Theo đó vào năm 1991, 2 nam sinh viên người Áo trong một chuyến đi du lịch tới Prague và mua máy ảnh Compact phim cũ của Liên Xô. Chiếc máy ảnh đó có tên đúng trong tiếng Nga là ЛОМО-компакт – được sản xuất vào những năm 80 của thế kỷ XX với giá khá rẻ. Ban đầu cả 2 cũng chỉ mua với mục đích lưu giữ những bức ảnh kỷ niệm và chụp một cách ngẫu hứng. Và đương nhiên họ chỉ chụp những bức ảnh đời thường mà không quan tâm đến những quy tắc phức tạp hay quá chuyên môn trong nhiếp ảnh.

chup ban lomo

Tuy nhiên sau khi đã rửa phim chụp được thành ảnh, 2 nam sinh viên này đã có bị ấn tượng về “khả năng” của chiếc máy ảnh tưởng chừng chất lượng chỉ tương ứng với giá tiền rẻ bèo nên đã quyết định tổ chức triển lãm những bức ảnh này nhờ việc xin trợ cấp của thành phố. Triển lãm đã được diễn ra vào năm 1993, đồng thời nó cũng đánh dấu cột mốc cho sự ra đời của Hội Lomo quốc tế (Lomographic Society). Nó ngay lập tức đã thu hút sự chú ý người dân khắp châu Âu, tham gia rồi nhanh chóng trở nên phổ biến và yêu thích toàn thế giới.

Từ đó, họ đã lập nên công ty Lomography – chuyên sản xuất những chiếc máy ảnh Lomo với công năng dựa vào đúng tinh thần “tự do” và ngẫu hứng của trường phái này. Sau này dần dần công ty cũng mở rộng thêm đa dạng sản phẩm như film chụp ảnh, lens, filter và nhiều sản phẩm nhiếp ảnh khác. 

Đặc trưng của loại máy ảnh chụp Lomography

Khác với các thể loại nhiếp ảnh khác, khi mà máy đắt tiền sẽ đi kèm với chất lượng tốt tương đương thì ở Lomography, những thiết bị đắt tiền lại là thứ đôi khi sẽ làm phong cách “mất chất”. Để chụp ảnh Lomography, người chụp chỉ cần một chiếc máy ảnh giâ rẻ và đơn giản. 

Đó có thể là những chiếc máy ảnh dùng phim 35mm và 120 medium format nhìn “cổ kính” như Holga của Hong Kong những năm 80 hoặc chiếc máy Lomo LC-A nổi tiếng của Liên Xô, được sản xuất từ những năm 50. Những loại máy này có giá tiền rất hợp lý, chỉ từ vài chục đến dưới 200 USD.

may anh lomo

Vì được làm từ những chất liệu giá rẻ, có ống kính đơn giản nên những chiếc máy ảnh này sẽ không có độ chính xác quang học  cao. Ảnh chụp được từ những chiếc máy này có phần “lỗi” như độ tương phản cao bất thường và nhìn bị gắt ở một số gam màu nhất định. Bên cạnh đó đường nét cũng thường bị bóp méo hay thậm chí còn bị lọt sáng dẫn gây ra vấn đề cháy một góc phim. Tuy nhiên, chính những “lỗi” này lại tạo nên sự đặc trưng của Lomography – đơn giản, ngẫu hứng, có phần kỳ quái và luôn tạo ấn tượng mạnh.

Đặc trưng của trường phái nhiếp ảnh Lomography

Như đã đề cập ở trên, ảnh chụp theo trường phái Lomography phải được chụp theo cách ngẫu hứng, có phần tùy tiện và tự do. Bạn không cần quan tâm quá nhiều đến các quy tắc và điều chỉnh các thông số như về khẩu độ, tiêu cự,…hay chất lượng hình ảnh sẽ như thế nào. Tất cả sẽ được phơi bày sau khi rửa ảnh và nó sẽ đem đến cho bạn sự bất ngờ, thú vị với màu sắc mang đậm phong cách Lomo. Có điều, Lomogarphy cũng có 10 “nguyên tắc vàng” đặc biệt từ hội Lomo.

lom 2

Mười nguyên tắc vàng của Lomography:

– Đem theo máy dù bạn có đang ở đâu

– Chụp bất cứ khi nào, không kể ngày đêm

– Hiểu rằng ảnh Lomography chính là một phần cuộc sống của bạn và không gây ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.

– Nếu có mục tiêu chụp , hãy tiến đến và bấm máy

– Đừng lo nghĩ nhiều

– Tốc độ phải nhanh

– Không suy nghĩ bạn sẽ chụp gì

– Không cần suy nghĩ bạn đã chụp gì

– Chụp từ mọi góc độ, kể cả những góc “kỳ lạ”

– Cuối cùng nhưng “đắt giá”: đừng quá quan tâm đến 9 điều trên!

Film Lomo là gì?

Giống như Kodak hay Fujifilm, film Lomography hay film Lomo tức là film do hãng này sản xuất. Nhiều người hay lầm tưởng rằng film Lomo sẽ có những hiệu ứng có phần khác thường và chất lượng không cao như những hãng film khác.

Nhưng sự thật đó là ngoại trừ dòng film hiệu ứng Experimental Lomo, film Lomography về cơ bản cũng giống như film từ các hãng khác. Nó còn được đánh giá cao với chất lượng không thua kém.

Những bức ảnh được chụp ảnh bằng film Lomography sẽ có được màu sắc tả thực hơn, rực rỡ hơn giúp bức ảnh nhìn tươi tắn, đem lại cảm giác sống động. Nhìn chung, Lomography không phải kiểu chụp sang trọng và bản chất của nó từ chiếc máy ảnh chụp cho đến phong cách chụp cũng rất đời thường, bình dị và tự do phóng khoáng. 

lomo

Lomography cũng có thể hiểu theo phương diện là một phong trào nhiếp ảnh không nặng về quy chuẩn, định kiến và không ràng buộc, tập trung hướng đến con người tới sự tự do và sự sáng tạo, cá tính riêng. Qua đó, người chụp có thể tự làm chủ bản thân và tìm được sự hứng thú bằng những cảm xúc độc đáo, chân thật trong mỗi tấm phim với giá thành tiết kiệm và dễ kiếm.

Nguồn tham khảo: papershoot, analoghouse, design.vn

Leave a Comment