Giờ vàng là gì?
Giờ vàng được hiểu là khoảng thời gian ngắn diễn ra ngay sau khi mặt trời mọc và trước khi mặt trời lặn. Khi đó, mặt trời ở cuối đường chân trời và ánh sáng phải vượt qua một khoảng cách xa, thông qua lớp không khí dày đặc mới đến được tầm mắt người nhìn.
Ánh sáng mà mắt ta nhìn thấy được lúc đó sẽ có những vùng xanh nằm rải rác, sau đó những khoảng trời với dãy màu vàng và cam, có khi là màu đỏ. Nếu muốn có được những gam màu ấm, vàng ươm cho ảnh thì chụp vào lúc mặt trời nằm ngay sát đường chân trời là thời điểm thích hợp nhất.
Mặt trời trong giờ vàng sẽ ở vị trí thấp hơn và khuếch tán nhiều hơn so với bình thường. Vào giờ vàng, bạn sẽ không nhận thấy được dạng bóng đổ đậm nét như bạn nhìn thấy vào buổi trưa.
Ví dụ như khi nhìn vào một chiếc bóng lúc giữa trưa, thời điểm mặt trời lên đỉnh và ánh sáng chiếu mạnh xuống mặt đất, bạn sẽ thấy nó được “in hình” một cách sắc nét và rõ ràng hơn so với một cái bóng vào thời điểm “giờ vàng”, khi mặt trời đã nằm xa ở phía cuối đường chân trời.
Cũng vì mặt trời ở rất thấp phía đường chân trời nên ánh sáng chiếu xuống sẽ tạo ra bóng đổ dài, mềm mại tạo chiều hướng cho ảnh của bạn. Khi đó, đường viền của bóng sẽ hơn so với buổi trưa và một số phần sẽ bị tối hơn.
Những mẹo chụp ảnh giờ vàng hiệu quả
Chuẩn bị thiết bị
Một trong những thiết bị bạn cần có đầu tiên khi chụp ảnh vào giờ vàng, đó là ống kính góc rộng. Nhiều nhiếp ảnh gia khá thích chụp phong cảnh trong giờ vàng bằng ống kính góc rộng (24mm hoặc rộng hơn), chụp chân dung với ống kính tầm trung (khoảng 50mm). Trừ khi muốn chụp các bức ảnh macro cận cảnh, có thể bạn sẽ không cần dùng đến ống kính chụp ảnh phong cảnh có tiêu cự dài hơn.
Tiếp đó, thiết bị bạn nên có đó là kính lọc phân cực tròn. Kính lọc phân cực tròn là bộ lọc đặt trước ống kính để có thể ghi lại sự sống động và độ tương phản trong một khung cảnh thật chính xác. Việc dùng kính lọc phân cực tròn khi chụp ảnh trong giờ vàng sẽ giúp cho các tông màu ấm trong khung hình được đạt được mức sống động tối đa và tạo ra bức ảnh đầy cuốn hút.
Ngoài ra, bạn cũng nên trang bị chân máy nếu đi chụp vào giờ vàng. Nó sẽ giúp bạn giảm tốc độ cửa trập, đồng thời vẫn giữ cho hình ảnh sắc nét. Với chân máy ảnh, bạn có thể giảm tốc độ cửa trập tùy ý, nó cho phép duy trì ISO ở mức thấp với khẩu độ F4 trở lên để đạt được độ sắc nét tốt nhất
Đến điểm chụp sớm
Chụp ảnh phong cảnh vào giờ vàng luôn thú vị nhưng cũng là một cuộc chạy đua với thời gian. Trên thực tế, “giờ” vàng lại thường không kéo dài trong một giờ đầy đủ. Giờ vàng thường sẽ bắt đầu từ 20 – 40 phút trước khi mặt trời mọc hoặc lặn hoàn toàn. Điều này khiến bạn có khoảng thời gian rất hạn chế để chụp.
Vậy nên để có thể tận dụng từng giây phút quý giá trong thời điểm giờ vàng, bạn cần lên kế hoạch chụp kỹ lưỡng và di chuyển đến địa điểm chụp sớm để chuẩn bị. Bạn có thể nhờ các công cụ hỗ trợ để tính toán thời điểm giờ vàng diễn ra hoặc nghiên cứu, thị sát trước nơi chụp. Hoặc đơn giản hơn là đến hỏi người dân địa phương.
Chọn đối tượng chụp
Việc chọn đối tượng chụp thích hợp trong khung giờ vàng quyết định rất lớn đến chất lượng bức ảnh. Nếu bạn muốn có 1 bức chụp ảnh chân dung thật nghệ thuật và “ảo diệu”, thì giờ vàng sẽ là khoảng thời gian phù hợp vì ánh nắng sẽ làm cho màu da của mẫu chụp nhìn sáng hơn và huyền bí hơn.
Bên cạnh đó, những công trình kiến trúc cũng là một lựa chọn tuyệt vời nếu được chọn là 1 đối tượng cho việc chụp ảnh vào giờ vàng. Sự kết hợp giữa những nét kiến trúc độc đáo từ nhân tạo và không gian, ánh sáng tuyệt đẹp của thiên nhiên sẽ tạo ra một vẻ đẹp huyền ảo, vô thực cho bức ảnh.
Có điều trong việc chọn đối tượng, quan trọng nhất vẫn sẽ phụ thuộc vào gu cá nhân của từng người, từng chủ đề chụp ra sao.
Thiết lập cài đặt phù hợp
Vì thường khi chụp vào giờ vàng, bạn sẽ phải xử lý việc ánh sáng luôn thay đổi và cần đến sử dụng chế độ “Ưu tiên khẩu độ”. Điều này sẽ đảm bảo DOF (độ sâu trường ảnh) của bạn luôn được thống nhất bất chấp việc bầu trời trở nên thiếu sáng. Nếu bạn đang chụp ảnh chân dung, khẩu độ từ f/1.8 đến f/4 sẽ tạo ra nền mờ. Còn với ảnh chụp phong cảnh, bạn có chọn từ f/8 đến f/22 để độ sắc nét cho ảnh.
Mặt khác vì bạn sử dụng “Ưu tiên khẩu độ”, máy ảnh của bạn sẽ tự động chọn tốc độ cửa trập. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo tốc độ thấp hơn 1/60. Nếu không thì ảnh của bạn sẽ bị mờ do thời gian cửa trập mở quá lâu. Còn nếu không gian thiếu sáng, bạn hãy tăng ISO hoặc dùng đèn flash.
Còn với ISO, bạn nên thiết lâp ở mức từ 100 – 800. Phù hợp nhất đó là bắt đầu ở 100 vì nó không tạo ra sự nhiễu ảnh quá nhiều. Còn nếu trời tối hơn, bạn có thể sẽ cần phải chọn giá trị cao hơn 100. Chỉ cần cố gắng không vượt quá 800 để ảnh của bạn không bị nhiễu hạt và không thể sử dụng được.
Chú ý đến bóng tối
Trong chụp ảnh giờ vàng, có 1 chi tiết khá ấn tượng đó là có thể tạo ra những bóng dài in trên bề mặt vật chất, là điểm nhấn nổi bật trong ảnh.
Dù đôi lúc, chúng trông có vẻ đẹp nhưng có thể trong 1 vài trường hợp, chúng sẽ là thứ cản trở hay xuất hiện ngoài ý muốn trong bức ảnh của bạn. Vậy nên hãy luôn lưu tâm đến những chiếc bóng này. Bạn nên quen đần với việc nhìn kỹ vào màn hình hoặc kính ngắm máy ảnh trước khi nhấp vào màn trập. Nếu xuất hiện những chiếc bóng ngoài ý muốn, nên cân nhắc xác định lại vị trí chụp và cả cách đặt máy, căn chỉnh khung hình.
Đương nhiên không phải lúc nào cũng phải tránh bóng tối. Nếu sử dụng đúng cách, chúng có thể giúp cho các bức ảnh trở nên đẹp và ấn tượng hơn. Bạn có thể thử nghiệm với cách chụp bóng đổ để mang lại sự cân bằng hoặc độ tương phản tốt hơn cho bố cục ảnh.
Tạo bóng
Trong trường hợp thích chụp ảnh có bóng tại giờ vàng, bạn không cần phải quá để tâm đến việc dùng đèn flash bổ sung. Thay vào đó bạn chỉ cần chụp ảnh chủ thể với tận dụng ánh sáng mặt trời ở hậu cảnh. Kết quả là bạn sẽ có phần bóng tối trong bức ảnh của bạn.
Chụp ảnh bóng cũng là một thể loại chụp ảnh nghệ thuật của riêng nó. Nếu muốn chụp tốt bạn cần có sự nhạy bén và cả con mắt nghệ thuật. Bạn hãy chú ý đến vị trí bố cục và tư thế của đối tượng của bạn ra sao, đểcó thể làm nổi bật sự hiện diện của chúng trong bức ảnh.
Nguồn tham khảo; vuinhiepanh, webnhiepanh, kyma.vn