Nhiếp ảnh hồng ngoại là gì?
Mắt người chúng ta chỉ nhìn thấy được dải ánh sáng có bước sóng trong khoảng 400 đến 750nm. Nằm ngoài dải sáng này là tia hồng ngoại và tia cực tím, mắt thường không thể nhìn thấy được. Trong đó, ánh sáng hồng ngoại có bước sóng từ 750 đến 1000nm (lớn hơn bước sóng mắt người nhìn thấy).
Sử dụng thiết bị đọc được loại ánh sáng này, bạn sẽ chụp được những bức ảnh hồng ngoại đặc biệt. Vậy nên, nhiếp ảnh hồng ngoại được hiểu là việc thu nhận bước sóng hồng ngoại nằm ngoài phạm vi mắt người nhìn thấy và tạo ra những hình ảnh có màu sắc khác thường.
Ánh sáng hồng ngoại phản xạ tạo ra một loạt những hiệu ứng siêu thực hấp dẫn. Những vật có sự sống sẽ phản xạ lượng ánh sáng hồng ngoại lớn hơn. Ví dụ như những tán lá, đám cỏ, làn da. Khi đó, những vật thể này sẽ hiển thị với màu sắc trắng nhất trong bức ảnh của bạn.
Ngược lại, những vật vô tri vô giác như hòn đá, bê tông, ngọn núi, hồ nước hay bầu trời có xu hướng hấp thụ ánh sáng hồng ngoại nên sẽ xuất hiện với màu sắc tối hơn trong ảnh.
Những điều cần chuẩn bị để chụp ảnh hồng ngoại
Kiểm tra máy ảnh
Điều đầu tiên và quan trọng nhất, trước khi đi mua bộ lọc IR, bạn cần kiểm tra máy ảnh có nhạy với ánh sáng hồng ngoại hay không. Bởi không phải tất cả các cảm biến của máy ảnh kỹ thuật số nào cũng đều có thể “nhìn thấy” ánh sáng hồng ngoại.
Bạn có thể kiểm tra bằng cách đơn giản là lấy điều khiển TV, chĩa vào ống kính, ấn đại một nút nào đó trên cái điều khiển để phát tín hiệu IR. Để kiểm tra, hãy lấy điều khiển TV hoặc đầu đĩa DVD. Ấn bất kỳ nút nào trên điều khiển để phát tín hiệu hồng ngoại.
Nếu nhìn qua màn hình LCD thấy bóng đèn sáng lên, tức máy ảnh của bạn phát hiện được tia hồng ngoại. Nếu ánh sáng bạn nhìn được càng trắng và sáng thì camera của bạn càng nhạy với tia hồng ngoại.
Sử dụng chân máy và bộ lọc hồng ngoại
Chân máy sẽ giúp bạn chụp ảnh sắc nét vì thời gian phơi sáng của bạn sẽ khá lâu. Bộ lọc IR sẽ chặn hầu hết ánh sáng nhìn thấy được đến cảm biến máy ảnh nhưng sẽ cho phép ánh sáng hồng ngoại đi qua.
Còn về bộ lọc hồng ngoại, đây là một thiết bị dễ kiếm và ít tốn kém nhất giúp bạn bắt đầu chụp những bức ảnh hồng ngoại đầu tiên của mình. IR Filter cho phép ánh sáng hồng ngoại chạm vào cảm biến của máy ảnh, đồng thời ngăn ánh sáng mà mắt người có thể nhìn thấy đi vào camera.
Tuy nhiên, sử dụng kính lọc IR bạn sẽ không nhìn được hình ảnh trước khi chụp. Thay vào đó, với mỗi lần chụp bạn sẽ phải căn và lấy nét cho khung hình trước. Đây được coi là một hạn chế lớn của phương pháp này.
Cài đặt máy ảnh
Vì bộ lọc hồng ngoại chặn hầu hết ánh sáng nhìn thấy, nên thời gian phơi sáng sẽ khá lâu. Bạn sẽ phải điều chỉnh cài đặt máy ảnh để đảm bảo có được độ phơi sáng tốt nhất, đồng thời giữ độ nhiễu ở mức tối thiểu. Đặt máy ảnh lên tripod và thực hiện các điều chỉnh sau:
Đặt ISO từ 200 đến 400, giữ ở mức thấp nhất có thể. Bật giảm noise khi phơi sáng lâu. Đặt máy ảnh chụp ở chế độ RAW. Đặt máy ảnh thành Ưu tiên khẩu độ (chế độ Av trên Canon) và khẩu độ ở khoảng f/8 để có độ sắc nét tối đa
Nếu máy ảnh có chế độ phơi sáng tự động, hãy đặt chế độ phơi sáng bù trừ thành +/- 1 EV. Điều chỉnh cân bằng trắng: Đây là yếu tố cực quan trọng trong kỹ thuật chụp ảnh hồng ngoại. Bởi ảnh hồng ngoại nổi bật nhất ở màu sắc, trong khi màu sắc lại phụ thuộc vào cân bằng trắng.
WB là một yếu tố cực kỳ quan trọng cho thể loại hình này, nhất là cho những máy cũ không thể chụp được bằng Raw, vì chỉnh sửa bằng jpeg sẽ hạn chế bạn rất nhiều. Bạn có thể chỉnh thêm trong Photoshop.
Nhưng nếu hình chụp ra, chỉ cần hoán đảo màu xanh dương và đỏ, là đủ để đẹp, thì vẫn tốt hơn là bạn phải bỏ thêm hằng giờ để chỉnh sửa màu sắc theo ý của bạn với Photoshop, vì như thế thì có hơi phung phí thời gian tí.
Việc tùy chỉnh WB trong thể loại nhiếp ảnh này là bắt buộc vì nếu không điều chỉnh, hình ảnh của bạn sẽ mặc định có màu đỏ. Vì vậy, để có được màu sắc ưng ý nhất cho bức ảnh, bạn cần điều chỉnh WB.
Các thiết bị cần cho chụp ảnh hồng ngoại
Loại máy ảnh
* Một số loại có thể bắt được IR:
Máy ảnh Canon 10D, 20D, 300D, 350D, D60, D30, A80, G2
Máy ảnh Minolta Dimage 5, Dimage 7
Máy ảnh Fujifilm S620
Máy ảnh Nikon 5700, 8400, 8700, D2H, D70, D100
Máy ảnh Olympus E-300, 2020, 4040, 5050
Máy ảnh Sony DSC 505, 707, 717, 828
Ống kính
Lens cũng khá quan trọng vì không phải lens nào cũng dùng được. Phần lớn các lens có thể dùng chụp IR rất tốt nhưng một số lens khi chụp IR sẽ bị hotspot. Vòng sáng (hot-spot) rất thường gặp khi chụp IR, có nhiều ống kính mắc tiền nhưng khi chụp IR lại bị một vòng sáng ở giữa tấm ảnh rất khó chỉnh cho mất đi. Nếu chụp với tốc độ nhanh bạn có thể làm giảm đi tác động của vòng sáng này.
Chân máy ảnh và dây bấm mềm
Chụp IR có thể được xem như là “chụp bóng tối ở giữa ban ngày” do đó, bạn phải cần sử dụng đế chân máy hay dây bấm mềm để hạn chế tối đa sự rung lắc của máy ảnh.
Biến máy ảnh DSLR thành thân máy ảnh hồng ngoại chuyên dụng
Ngoài việc sử dụng bộ lọc IR để chụp ảnh hồng ngoại, bạn cũng có thể chuyển đổi máy ảnh DSLR thành một thân máy ảnh hồng ngoại chuyên dụng.
Bằng việc bỏ bộ lọc chặn IR ở phía trước cảm biến máy ảnh và thay thế bằng bộ lọc chỉ cho phép ánh sáng IR đi qua. Tuy nhiên thực hiện phương pháp này sẽ phức tạp và tốn kém hơn so với việc mua bộ lọc IR cho ống kính bên trên.
Photoshop và các phần mềm edit ảnh
Hình IR chụp ra thường có màu sắc rất quái lạ nên cần phải qua một bước post-processing.
Hướng dẫn cách chụp ảnh hồng ngoại đơn giản
Những lưu ý khi chụp
Việc tạo ra một bức ảnh hồng ngoại thoạt nghe qua cũng rất dễ dàng: cứ gắn filter vào ống kính và…chụp. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng không hẳn như vậy. Chất lượng ảnh hồng ngoại tùy thuộc vào cảm biến của máy ảnh và ống kính bạn sử dụng. Cho nên không phải máy nào cũng cho ra những tấm ảnh hồng ngoại giống nhau. Còn màu sắc, hình ảnh phụ thuộc rất nhiều vào ánh sáng, màu sắc của mây trời, màu cỏ cây…
Khi kính lọc đã chặn hầu như tất cả các ánh sáng khả kiến, trên màn hình của máy ảnh bạn sẽ gần như không thấy được chủ đề mà bạn muốn chụp, nên bạn sẽ phải chọn góc chụp trước, rồi mới gắn kính lọc vào để chụp. Một số máy đời mới dùng live view có thể nhìn “xuyên” qua được kính lọc này, bạn phải thử để biết máy mình có thể thấy bằng live view hay không.
Khi bạn không thể thấy qua màn hình, bạn cũng chẳng thể chỉnh focus, và vì tốc độ của máy chụp sẽ rất chậm, bạn sẽ phải cần đến chân máy và dây bấm mềm để chống rung. Máy chụp hình sau khi gắn kính lọc hồng ngoại dường như không còn đo sáng chính xác nữa, nên biểu đồ Histogram là rất quan trọng.
Ngoài ra, bn có thể chỉnh WB bằng cách chụp hình một mảng cỏ xanh giữa trưa nắng, và dùng tấm hình đó cho WB (chức năng PRE trong WB setting). Bạn có thể chuyển sang Incandescent +3 để chụp, hoặc dùng Grey card để chụp một tấm với Auto WB giữa trưa nắng, rồi dùng tấm hình đó cho custom WB.
Thiết lập bố cục ảnh
Cũng giống như những thể loại ảnh khác, bố cục cũng là một yếu tố quan trọng đối với nhiếp ảnh hồng ngoại. Tương tự như chụp ảnh đen trắng, ảnh hồng ngoại cũng có tông màu bị hạn chế. Vì vậy, hãy thêm sự lôi cuốn cho bức ảnh bằng cách tăng các yếu tố tương phản cho nó. Chẳng hạn như đặt các đối tượng sáng và tối ở cạnh nhau.
Thời điểm chụp ảnh hồng ngoại
Thời gian chụp thể loại nhiếp ảnh này tốt nhất là khi có lượng ánh sáng mặt trời dồi dào, thường là từ 10h trưa đến 2h chiều. Ngược lại, nếu chụp vào những ngày đông hoặc ngày u ám sẽ không có bất kỳ thứ gì phản xạ lại tia hồng ngoại. Để làm nổi bật tông màu cho hình ảnh hồng ngoại của mình, bạn có thể chọn những địa điểm giàu sự tương phản.
Thực hiện tất cả những kỹ thuật trên và tiến hành bấm chụp chắc chắn bạn sẽ có những bức ảnh hồng ngoại cực kỳ ấn tượng.